Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đảng viên mới: Hiệu quả từ một cách làm

10:27, 12/10/2010

Giao chỉ tiêu hoặc yêu cầu tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trực thuộc xây dựng chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hằng năm. Đồng thời, đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ này thành tiêu chí bình xét thi đua hàng năm. Đây là biện pháp được nhiều TCCSĐ triển khai thực hiện đạt hiệu quả khá cao trong công tác phát triển đảng viên mới những năm qua.

Ở Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, phát triển đảng viên được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Điểm nổi bật là Ban Thường vụ Đảng ủy đã dành nhiều thời gian, công sức chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng TCCSĐ và phát triển đội ngũ đảng viên, như: ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện đến tận chi bộ trực thuộc; phân công trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong việc theo dõi, bám sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy ở cơ sở triển khai tốt nhiệm vụ được giao; căn cứ vào tình hình thực tế, đầu mỗi năm đều giao chỉ tiêu phát triển đảng viên mới cho các TCCSĐ trực thuộc... Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy khối luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Đối với những TCCSĐ thực hiện không đạt chỉ tiêu phấn đấu hoặc có vấn đề mới phát sinh, Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy chủ động tiến hành làm việc với cấp ủy, xác định rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục có hiệu quả. Nhờ đó, kết quả phát triển đảng viên mới hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy giao. Từ năm 2005 đến 2010, toàn Đảng bộ đã kết nạp mới 827 đảng viên, vượt hơn 65% so với chỉ tiêu đã đề ra. Một điều đáng phấn khởi nữa là số đảng viên mới là đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, dân tộc thiểu số, phụ nữ luôn chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số đảng viên mới. Chẳng hạn, năm 2005, trong số 161 đảng viên mới kết nạp có 50 phụ nữ, 38 đoàn viên thanh niên, 12 đồng bào dân tộc thiểu số thì đến năm 2009, con số này đã được nâng lên, thứ tự là 60, 91 và 14. Cùng với số lượng, chất lượng đảng viên cũng được nâng lên một bước, nếu như năm 2005, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ mới đạt khoảng 93,5%/ tổng số đảng viên thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã được nâng lên gần 97%. Thực tế cho thấy, các đảng viên trẻ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể cùng chi bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; nhiều đảng viên là tấm gương sáng đối với quần chúng cả nơi công tác và cư trú.

Trao Quyết định kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Trường THCS Lương Thế Vinh (Krông Ana)
Trao Quyết định kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Trường THCS Lương Thế Vinh (Krông Ana).

Cũng nhờ cách làm phù hợp, Đảng bộ thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana) đã vươn lên vị trí đầu bảng so với các TCCSĐ trực thuộc Đảng bộ huyện Krông Ana với nhiều thành tích: 100% thôn, buôn, tổ dân phố, trường học (kể cả trường mẫu giáo) có chi bộ đảng; số đảng viên mới tăng đều qua các năm, trong đó có đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số...  Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ thị trấn Buôn Trấp đã thành lập thêm 8 chi bộ, nâng tổng số chi bộ trực thuộc lên 30; kết nạp mới 142 đảng viên (trong đó có 7 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số), nâng tổng số đảng viên lên con số 420. Qua đánh giá chất lượng hằng năm, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân trên 80%, số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh từ 66 – 80%, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Đồng chí Nguyễn Mạnh Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, đáng kể nhất là Đảng bộ đã có sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng nói chung, phát triển đảng viên mới nói riêng. Nhiều đảng viên sinh hoạt tại đây cho biết, hằng năm, Đảng bộ thị trấn đều có nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên mới. Theo đó,  mỗi năm, một chi bộ phải phát triển được ít nhất 1 đảng viên mới. Chi bộ nào không thực hiện được chỉ tiêu đã giao đều phải giải trình nêu rõ lý do. Trong trường hợp, lý do đưa ra không thuyết phục, có dấu hiệu không phù hợp với tình hình thực tế tại chi bộ sẽ bị Đảng ủy thị trấn tiến hành kiểm tra. Nếu chi bộ nào để xảy ra trường hợp có nguồn phát triển đảng viên nhưng cấp ủy không quan tâm dẫn đến không phát triển được thì cá nhân bí thư chi bộ sẽ không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chi bộ cũng không được công nhận trong sạch vững mạnh.

Qua tìm hiểu ở những TCCSĐ có kết quả phát triển đảng viên mới đạt tỷ lệ cao cho thấy, việc giao hoặc yêu cầu từng chi bộ xây dựng chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới mỗi năm không có nghĩa là chạy theo thành tích mà thực chất là xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp ủy. Theo Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Buôn Trấp Nguyễn Mạnh Thuấn, một trong những người có thâm niên trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, từ khi phát hiện được quần chúng ưu tú đến hoàn tất các thủ tục để họ đứng vào hàng ngũ của Đảng là một quá trình dài, trải qua nhiều công việc không đơn giản. Chính vì thế, nếu không xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy mỗi chi bộ sẽ dễ dẫn đến tình trạng “dễ làm khó bỏ”. Và như thế sẽ xảy ra trường hợp quần chúng ưu tú, có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên nhưng liên tục bị “thử thách”, dẫn đến họ nản chí vì nghĩ rằng Đảng không tin tưởng mình. Bí thư nhiều đảng bộ, chi bộ đề nghị, để bảo đảm công tác phát triển đảng viên mới đạt cả chất và lượng, vấn đề quan trọng là cần xác định công tác xây dựng TCCSĐ, phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới trong những năm sau. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cơ sở đảng thực hiện nhiệm vụ.

 

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.