Multimedia Đọc Báo in

Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để góp phần xây dựng Dak Lak giàu mạnh

09:07, 17/11/2010

Tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc; chăm lo công tác người cao tuổi, công tác trí thức; ra sức vận động các tầng lớp nhân dân đi đầu trong các phong trào thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”,... các cấp Mặt trận đã góp phần tích cực xây dựng Dak Lak ổn định và phát triển. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và 50 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông TRƯƠNG VĂN TỴ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

* Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân của MTTQ Việt Nam tỉnh trong thời gian qua?

 
- Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể cùng sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nên MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi: Phong trào toàn dân thi đua phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp, xóa đói giảm nghèo đã phát triển rộng khắp trong các thành phần kinh tế và trong các tầng lớp nhân dân, góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không ngừng phát triển, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đến cuối năm 2009 tăng lên 229.625 gia đình, đạt 72%; có 1.066 khu dân cư được công nhận là khu dân cư văn hóa, đạt 44,7%.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, từ năm 2000 đến nay “Quỹ vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã thu được trên 49,656 tỷ đồng; cộng với sự  giúp đỡ về ngày công, tiền mặt của bà con, dòng họ và cộng đồng đã hỗ trợ xây dựng được 2.556 nhà đại đoàn kết, 13.618 nhà 167, sửa chữa 962 nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ khác 6,5 tỷ đồng giúp hàng trăm lượt người nghèo khám chữa bệnh, học sinh nghèo đến trường và hằng năm giúp đỡ, hỗ trợ trên 2.500 hộ nghèo thoát nghèo bền vững....
 Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Đề án 02/212/TTg về “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” và Đề án 01-138 “Phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, Mặt trận đã ký kết Chương trình liên tịch phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội với 5 đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh, với các tổ chức tôn giáo, cùng với 2.299 mô hình “Tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, tổ dân phòng, tổ liên gia, tổ hòa giải” ở cơ sở. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 84 mô hình điểm về phòng, chống tội phạm và ma túy, 21.000 hộ gia đình ký cam kết thực hiện tốt phong trào phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở gia đình và cộng đồng dân cư; có 131/184 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, 1.533 khu dân cư (KDC) an toàn không có tội phạm nguy hiểm; thành lập được 2.176 “Nhóm nòng cốt”, tổ chức được 145.300 buổi tuyên truyền, thu hút trên 1,8 triệu lượt người tham dự...
Ghi nhận thành tích đạt được thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ủy ban MTTQ tỉnh; UBND tỉnh tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc năm 2004, 2005; Chính phủ tặng thưởng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2008; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng thưởng 4 Cờ thi đua xuất sắc cụm các tỉnh nam miền Trung - Tây Nguyên (2006 - 2009) và cờ thi đua xuất sắc 2 cuộc vận động...

*Để đạt được những kết quả đó, ông có thể cho biết một số bài học kinh nghiệm trong việc tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
- Theo tôi, trước hết đó là: Việc quán triệt, thực hiện đúng đắn các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về đại đoàn kết toàn dân, có ý nghĩa quyết định kết quả công tác Mặt trận trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới. Có thể thấy rõ, nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm đúng mức thì nơi đó Mặt trận thực sự có điều kiện phát huy hiệu quả về tổ chức và hoạt động. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp là những điều kiện quan trọng để Mặt trận hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Một điều cơ bản và không kém quan trọng khác, đó là bản thân Mặt trận phải không ngừng nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động, biết bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như hướng dẫn của Mặt trận cấp trên để triển khai công việc. Công tác Mặt trận trước yêu cầu của nhiệm vụ mới cần khắc phục cung cách làm việc chung chung, đại khái mà phải đi vào những vấn đề, lĩnh vực cụ thể, thiết thực liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, bao gồm các cán bộ chuyên trách và không chuyên trách, lực lượng cộng tác viên, cán bộ tư vấn là nhân tố quan trọng, quyết định  kết quả của công tác Mặt trận. Do đó việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ của Mặt trận cũng như đầu tư xây dựng lực lượng cộng tác viên, tư vấn có ý nghĩa chiến lược trong công tác Mặt trận. Đồng thời cán bộ Mặt trận phải tự mình trau dồi đạo đức cách mạng, nhiệt tình và tâm huyết với nhiệm vụ, thường xuyên thực hiện việc tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ công tác Mặt trận mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Đại biểu các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong ngày hội lớn. (Ảnh: Nam Sơn)
Đại biểu các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong ngày hội lớn. (Ảnh: Nam Sơn)

*Thưa ông, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu nào?
- Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục triển khai vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VII; thực hiện tốt đợt tuyên truyền, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; thực hiện đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, thân nhân kiều bào và kiều bào,… nhằm không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Song song đó, tiếp tục phát huy dân chủ tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; làm tốt công tác vận động toàn dân tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào năm 2011. Bên cạnh việc phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội của tỉnh, Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng sẽ thường xuyên củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới…

* Xin cảm ơn ông!

Đàm Lan (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.