Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Thông qua Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011

14:33, 12/11/2010
Ngày 10-11, với 80,53% ý kiến tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011. Dự toán tổng số thu cân đối NSNN là 595.000 tỷ đồng, tương đương 26,2% GDP. Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang, tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 605.000 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 725.600 tỷ đồng; Mức bội chi NSNN là 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Từ ngày 1-5-2011, điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục. Năm 2011 sẽ có 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư các dự án công trình trong danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
 
Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành các giải pháp thực hiện Dự toán NSNN năm 2011 do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm: thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN. Trong quá trình điều hành NSNN cần có giải pháp để giảm bội chi năm 2011 xuống dưới 120.600 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP) và giảm dần trong các năm sau. Xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách
tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2011.
 
Về vấn đề chi ngân sách, dự toán yêu cầu cần quản lý chặt chẽ chi NSNN, triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như các nguồn tài chính công khác; khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn lớn, chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền, sai quy định của Luật NSNN và các Nghị quyết của Quốc hội. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư; đầu tư đồng bộ; tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011 - 2012, nhất là ở các địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang còn nhận bổ sung lớn từ ngân sách Trung ương. Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2011 cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, kể cả các khoản vay trong và ngoài nước, bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn vốn khác của nhà nước.
 
 
Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Nhà máy lọc dầu  Dung Quất. Theo báo cáo của Chính phủ về tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu  Dung Quất, ngày 30-5-2010, nhà máy đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chính thức vận hành thương mại và hiện đang vận hành an toàn, ổn định ở 100% công suất thiết kế. Về tiến độ, dự án chậm khoảng 9 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Về tổng mức đầu tư dự án, đã tăng từ 1.500 triệu USD lên 2.501 triệu USD giai đoạn 1997-2005, sau đó tăng lên 3.053,5 triệu USD vào 2009. Nguyên nhân tăng là do phát sinh khối lượng lớn công việc, như bổ sung các phân xưởng công nghệ và phụ trợ để đáp ứng yêu cầu mới về chất lượng và chủng loại sản phẩm; phát sinh chi phí xử lý túi bùn gói thầu số 5A; biến động tỷ giá ngoại tệ, tăng giá máy móc thiết bị, vật tư, nhân công. Cũng theo Chính phủ, Nhà máy lọc dầu  Dung Quất đang vận hành ổn định đã đáp ứng khoảng 30%  nhu cầu xăng dầu thị trường trong nước, giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường nước ngoài. Doanh thu của nhà máy kể từ ngày nhận bàn giao đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng. Dự án đã tạo việc làm cho khoảng 1.400 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động trong các ngành sử dụng sản phẩm của nhà máy và các ngành phụ trợ khác. Các vấn đề khác như an ninh quốc phòng, môi trường.. đều được bảo đảm.
 
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu đều cho rằng, đây là một công trình lớn, được nghiên cứu từ năm 1977, và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 1997, triển khai năm 2005. Sau 4 năm xây dựng, tháng 2-2009, nhà máy đi vào sản xuất mẻ đầu tiên và đến nay, sau 1 năm vận hành đã ổn định 100% công suất. Tuy nhiên, hiện chưa thể đủ thời gian để đánh giá hiệu quả của dự án. Báo cáo của Chính phủ cũng mới chỉ thiên về đánh giá mục tiêu kích hoạt vùng kinh tế miền Trung của dự án này.
 
Nhiều ý kiến đại biểu cũng yêu cầu cần làm rõ hiện tượng xăng dầu ở Dung Quất thời gian qua bị tồn trong khi các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu xăng dầu là do chất lượng, hay do giá cả kém cạnh tranh, hay do vấn đề tổ chức phân phối sản phẩm. Có xăng dầu Dung Quất rồi nhưng giá thành so với xăng dầu nhập khẩu ra sao?  Tính an toàn của Nhà máy lọc dầu thế nào? Đó là hàng loạt vấn đề mà đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo để Quốc hội có cái nhìn tổng thể hơn trước khi thông qua Nghị quyết công nhận kết thúc việc xây dựng dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và giao Chính phủ  tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.
 
Cũng trong hai ngày qua, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Dự án Luật đo lường và Luật tố cáo.
H.T (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc