Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo ở Cư Kuin
14:55, 12/11/2010
Huyện Cư Kuin hiện có gần 43.265 tín đồ công giáo sinh hoạt tại 7 giáo xứ, 4 giáo họ. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thường xuyên quan tâm và tạo mọi điều kiện cho bà con giáo dân trong các hoạt động tín ngưỡng, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sống “tốt đời đẹp đạo”, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Nhờ vậy, bà con giáo dân huyện Cư Kuin luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, góp công sức và hỗ trợ vốn, cây, con giống để giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Bộ mặt kinh tế-xã hội của huyện đã có nhiều đổi thay đáng kể. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con giáo dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng và từng bước nhựa hóa đường giao thông khu dân cư; điển hình như: bà con giáo xứ, giáo họ Hòa Hiệp đã đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường giao thông nông thôn và đường tránh lụt từ Quốc lộ 27 đi buôn K’pung và từ Giang Sơn đi huyện Krông Ana; giáo xứ Đông Sơn vận động xây mới một cây cầu bê tông cốt thép chiều dài 25m, trị giá trên 100 triệu đồng và 300 ngày công lao động, bên cạnh đó, giáo xứ Đông Sơn còn hiến 300m2 đất chung của giáo xứ để xây dựng trường Mẫu giáo theo tiêu chuẩn Quốc gia… Trong các phong trào thi đua yêu nước, sống “Tốt đời đẹp đạo”, đã có nhiều tấm gương điển hình, nhiều giáo xứ, họ đạo tiên tiến trong lao động, sản xuất và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như: Giáo xứ Vinh Hòa, xã Ea Ktur; giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp...
Trên lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế, bà con giáo dân đã vượt qua khó khăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm các loại cây trồng vật nuôi. Nhiều mô hình trang trại của bà con giáo dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: mô hình nuôi heo của anh Vũ Văn Quyết, hộ ông Phạm Văn Đón, hộ ông Nguyễn Văn Tân ở giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp… thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm; hộ ông Nguyễn Văn Chương thu nhập hằng năm trên 1 tỉ đồng từ mô hình chăn nuôi heo nái và heo thịt; mô hình VAC của anh Vũ Ngọc Tường, giáo xứ Vinh Hòa, xã Ea Ktuar có hình thức trồng cà phê xen với sầu riêng rất hiệu quả; mô hình trồng cà phê với chăn nuôi bò của hộ ông Y Thăk Buôn Dăp, giáo xứ Hra Ea Ninh... Nhiều hộ giáo dân còn phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước hàng chục tỷ đồng
Những hoạt động từ thiện, nhân đạo luôn được bà con giáo dân quan tâm ủng hộ. Trong 5 năm qua, đồng bào công giáo huyện Cư Kuin đã quyên góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình thương, sửa chữa nhà dột nát; ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, nạn nhân nhiễm chất độc da cam…
Phương Lan
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc