Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong thời gian tới
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động xây dựng Đảng rộng lớn, không chỉ bó hẹp triển khai trong cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng, mà rất tự nhiên, tự giác, nó đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, các hội, đoàn thể quần chúng, các tôn giáo; không chỉ người Việt Nam trong nước, mà cả kiều bào ta ở nước ngoài và cả những bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Do đâu mà Cuộc vận động có sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ đó? Đó chính là “dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Hay nói cách khác đó chính là bởi sự tỏa sáng từ tấm gương và đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tổng kết, đánh giá thành tựu, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động; đồng thời Hội nghị cũng thống nhất xin ý kiến và quyết tâm chính trị của Đại hội XI của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động. Trong khuôn khổ bài viết này, xin nêu một vài ý kiến để tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.
Cần đẩy mạnh và đa dạng hóa hơn nữa công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, bên cạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, cần chú ý đến các đối tượng, tầng lớp khác nhau trong xã hội, trong đó cần chú ý đến đồng bào dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, phụ nữ, doanh nhân, nông dân. Từ đó, cần biên tập, biên dịch thành các loại tài liệu riêng cho các đối tượng và xác định cách thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp.
Song song đó, các cấp ủy và cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, biểu dương, cổ vũ, khen thưởng, tôn vinh các điển hình “làm theo” Cuộc vận động. Sau 4 năm triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh ta, đã có gần 500 lượt tập thể và 1.500 lượt cá nhân được Ban chỉ đạo Cuộc vận động từ tỉnh đến cơ sở phát hiện, biểu dương, khen thưởng. Đó là những hạt nhân nòng cốt góp phần quan trọng để nhân rộng và thúc đẩy Cuộc vận động phát triển cả về bề rộng và chiều sâu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cần gắn kết chặt chẽ Cuộc vận động lớn này với triển khai nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị mình; với các phong trào như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; phong trào chăm sóc, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách; xây dựng nhà tình nghĩa, Quỹ “Vì người nghèo”; các đợt quyên góp, giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; xây dựng Quỹ “Trái tim cho em”, Quỹ “Tấm lòng vàng”, Quỹ “Tấm lòng Việt”; hỗ trợ những người mắc bệnh hiểm nghèo... và nhiều phong trào, việc làm bổ ích khác.
Ngoài ra, từ sau đại hội đảng các cấp đến nay, nhiều đồng chí trong Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã được điều động sang vị trí công tác khác, hoặc nghỉ hưu theo chế độ. Do đó, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp. Ban chỉ đạo Cuộc vận động cần có quy chế làm việc riêng, có phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; hằng tháng, hằng quý, hằng năm có kế hoạch kiểm tra, giám sát các cấp ủy cấp dưới nhằm kịp thời biểu dương các đơn vị, cá nhân làm tốt và phê bình, củng cố những tổ chức cơ sở đảng thực hiện chưa tốt. Đồng thời, mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo các cấp cần nêu gương, gương mẫu thực hiện tốt Cuộc vận động, nhất là người đứng đầu, thủ trưởng, bí thư cấp ủy các cơ quan, đơn vị.
Cuối cùng, tiếp tục đưa nội dung Cuộc vận động vào hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Muốn vậy, mỗi tổ chức đảng, đoàn thể và cá nhân cụ thể cần phải xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; các chuẩn mực này dễ nhớ, dễ thực hiện; tránh ôm đồm, chung chung, kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, phô trương. Phải coi việc thực hiện Cuộc vận động trước hết là vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, đoàn thể; không chỉ thuần túy về đạo đức, lối sống mà cao hơn, là phục vụ trực tiếp cho sản xuất, công tác học tập, rèn luyện, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi đơn vị.
Tại Hội nghị tổng kết 4 năm Cuộc vận động, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ rõ “trong chỉ đạo và thực hiện, cần xác định quan điểm: đây là cuộc vận động lâu dài, tiến hành trong nhiều năm, cho nhiều thế hệ. Do đó, tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả Cuộc vận động trong khi cần phải có một thời gian và nỗ lực cần thiết. Mặt khác, khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, bàng quan, chưa thực sự quan tâm tới Cuộc vận động; cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, giải pháp của công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện”. Do đó, làm cho Cuộc vận động là sự tương hợp hài hòa giữa ý Đảng và lòng dân; thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu; nguyện kế thừa, phát huy di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức vô giá mà Người để lại.
-----------------
(1) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Người.
Bạch Văn Mạnh
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc