Multimedia Đọc Báo in

HẠNH PHÚC NHỮNG LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC

18:30, 03/02/2011

Họ có một vùng ký ức vô cùng đặc biệt – được gặp Bác Hồ. Hạnh phúc ấy, vinh dự ấy hiếm ai có được. Ký ức những lần gặp Bác là tài sản quý được họ mang theo trong hành trang của cuộc đời…

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam. (Ảnh: T.L)
Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam. (Ảnh: T.L)


Lời Bác dạy là ánh sáng soi đường cho tôi đi tới….
81 tuổi, nhưng vùng ký ức 3 lần được gặp Bác thì luôn không bao giờ “già” trong tâm tưởng của ông Phạm Văn Hưởng, hiện trú tại 5/3 Cù Chính Lan, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột bởi đó là những kỷ niệm vô giá được ông nâng niu, trân trọng. Và như thể chỉ cần một chút khuấy động thôi, vùng ký ức ấy lại ùa về để ông không thể kìm nén mà giãi bày, mà kể vanh vách đến từng cử chỉ, từng lời nói của Bác dù khoảng cách thời gian đã vài chục năm.

 

Ông Phạm Văn Hưởng
Ông Phạm Văn Hưởng

Những thước phim đẹp nhất của cuộc đời gắn liền với ba lần gặp Bác được ông tái hiện, mở đầu bằng những vất vả, khó khăn trong việc thi công làm cầu làm đường. Tạm biệt quê hương Điện Bàn, Quảng Nam với nhiệm vụ đảm trách tại địa phương là công tác Đảng và chính quyền, ngày 10-4-1955 ông có quyết định tập kết ra Bắc và từ đó tham gia lao động làm đường ở Mộc Châu, Sơn La; đắp đê tại Hà Tĩnh; mở đường khai hoang tại Nông trường Sông Công; làm công nhân giao thông tại Thanh Hóa... Ngày ấy mọi thứ đều phải làm thủ công, không có máy móc hỗ trợ cộng với những trận sốt rét hành hạ đến rụng hết cả tóc, vất vả, thiếu thốn trăm bề. Ấy vậy mà ngọn lửa cách mạng, ngọn lửa thi đua lao động sản xuất luôn hừng hực và cháy sáng. Có năng khiếu trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, ông được cấp trên rút từ đội công nhân làm đường về cho đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường Trung ương Đoàn. Đó là vào năm 1962 và may mắn được gặp Bác đã đến với ông trong dịp này. Nhân dịp Ngày Quốc khánh 2-9, ông là một trong những học sinh sinh viên nhà trường được đi tham dự lễ kỷ niệm tại Quảng trường Ba Đình. Ông còn nhớ như in khi ấy ông được ngồi gần khán đài và cố gắng căng các giác quan thu trọn cử chỉ, ánh mắt, tiếng nói của Bác. Bác xuất hiện trên khán đài trong rừng hoa và tiếng vỗ tay không ngớt của rừng người. Bác vẫy tay chào đồng bào và ra hiệu mọi người yên lặng. Đang phát biểu, chợt Bác dừng lại hỏi “Tôi nói mọi người nghe rõ không?”. Và đến tận bây giờ ông vẫn còn nguyên cái cảm giác, lời nói đậm chất giọng xứ Nghệ ấy như sợi dây kỳ diệu lan truyền, gắn kết tình cảm của một vị lãnh tụ, - không, của một người cha, người bạn với nhân dân, gần gũi, thân thương và ấm áp lắm. Cả ông, cả rừng người không nén được sự xúc động, vỗ tay không ngớt.

Học xong Trường Trung ương Đoàn, ông xin trở lại công tác tại ngành giao thông của Thanh Hóa vì ông yêu, ông say với nghề làm đường và coi đó như duyên nghiệp của mình. Đến năm 1964, được cử làm đội trưởng của một đơn vị làm cầu có tên Đội cầu 1, ông đã nỗ lực, đóng góp công sức, xây dựng đơn vị trở thành đơn vị tiên tiến, bản thân được bình xét là chiến sĩ thi đua, chi bộ Đội cầu 1 đạt danh hiệu chi bộ 4 tốt. Từ thành tích này, ông vinh dự trở thành đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác 4 tốt của Trung ương. Và đây cũng là lần thứ hai ông có thêm may mắn, hạnh phúc được gặp Bác Hồ.

Ông còn nhớ khi đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị, không phải là những lời phát biểu chỉ đạo chung chung, sáo rỗng, đầu tiên Bác hỏi Ban tổ chức trong hội nghị này ai là người lớn tuổi nhất, ai là người nhỏ tuổi nhất. Ban tổ chức báo cáo chưa nắm rõ, Bác trách làm tổ chức như vậy là chưa được. Rồi Bác tiến lại gần một cụ bà và hỏi:

-    Xin hỏi, năm nay cụ bao nhiêu tuổi?
-    Thưa Bác, năm nay tôi 73 tuổi!
-    Bà còn gánh được nước không và nếu được thì có thể đi bao xa?
-    Thưa Bác, tôi già không gánh được nữa!
Cảm ơn cụ bà xong, Bác chỉ một cô gái người Thái Bình mặc chiếc áo màu trứng sáo:
-    Năm nay cháu bao nhiêu tuổi? Kết nạp Đảng khi nào và đang công tác ở đâu?
-    Dạ thưa Bác, năm nay cháu 20 tuổi, vào Đảng năm 19 tuổi và cháu phục vụ trận địa pháo ạ!

Bằng cuộc trò chuyện gần gũi, thân tình đó, Bác phân tích và đưa ra lời khuyên phải biết quan tâm, trân trọng truyền thống, nguồn cội và mọi thế hệ, thế hệ trẻ là lực lượng kế tục quan trọng nhưng người già cũng phải chăm lo bởi đến già cũng đã có thời trẻ. Từ bài học rút ra ấy, Bác hỏi có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng có ở đây không? Cao Bằng là cái nôi cách mạng, vậy tại sao Cao Bằng lại chỉ có 30 chi bộ 4 tốt? Có phải các đồng chí làm quan cách mạng không?

Kết thúc Hội nghị, Bác chụp hình chung với các đoàn đại biểu. Đến tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bác hỏi: “Quê choa đâu rồi? Bao giờ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ nữa thì Bác mới chụp hình riêng với từng tỉnh còn bây giờ thì tất cả chụp chung với Bác!

Những câu chuyện, những lời khuyên của Bác từ Hội nghị năm ấy ông nhớ mãi và coi đó là bài học quý trong cuộc đời mình để luôn gương mẫu trong sống và làm việc.

Cảm phục ông bởi trí nhớ tuyệt vời với từng lời nói của Bác, tôi hỏi: “Vậy còn lần thứ ba ông được gặp Bác là khi nào ạ?”.  Đôi mắt sáng như chiếu rõ từng hồi ức chợt nhòe lệ, hai hàng nước mắt lần bò xuống đôi gò má nhăn nheo in dấu vết thời gian. Ông khóc: “ Lần thứ ba tôi gặp Bác cũng là lần vĩnh biệt cuối cùng”.

Tin Bác mất lan truyền như luồng điện làm nhức nhối từng con tim. Ai cũng muốn được đi dự đám tang Bác để được nhìn thấy Bác lần cuối. Hạnh phúc trong niềm đau thương, ông vinh dự được là một trong 18 đại biểu chính thức của Thanh Hóa được đi dự lễ tang Bác. Trong dòng người về viếng Bác, có nhiều chị, nhiều mẹ nấc lên: “Bác ơi Bác mất rồi ai chăm lo cho phụ nữ?”...

Chưa được trực tiếp trò chuyện với Bác nhưng những lần được gặp Bác, lắng nghe những chỉ bảo của Bác, ông coi những lời Bác dạy như tôn chỉ hành động cho mình. Kết thúc chiến tranh, trở lại cuộc sống thời bình, vào Dak Lak lập nghiệp với cương vị Phó Trưởng ty Giao thông, ông vẫn luôn cương nghị, khẳng khái, không biết thì hỏi để làm. Những tháng ngày lao động vất vả với công trình thủy lợi Buôn Triết, hình ảnh Bác và những lời dạy của Bác là ngọn đuốc sáng chỉ đường để ông làm tròn nhiệm vụ…

Học Bác từ những điều giản dị nhất
Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, ông ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy là một trong những người con của núi rừng Tây Nguyên có được may mắn lớn nhất trong cuộc đời - đó là được gặp và trò chuyện với Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc. Khoảnh khắc ấy dù rất ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc và mỗi khi nhớ đến lại xúc động rưng rưng …

Ông Lê Chí Quyết
Ông Lê Chí Quyết

“Hồi hộp, sung sướng, rồi những cảm xúc vỡ òa khi gặp Bác. Những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi, bởi đó cũng chính là mong ước lớn nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình…” - Ông nói trong niềm xúc động nghẹn ngào khi dòng ký ức đưa ông trở về với những kỷ niệm với Bác Hồ  mà có lẽ không phải người con Tây Nguyên nào cũng may mắn có được. Ông kể: “Đó là ngày 15-6-1966, tại K15, tôi cùng 19 đồng chí khác từ miền Nam và Quân khu 5 ra tham quan, chữa bệnh, đã được các đồng chí ở Ban Tổ chức Trung ương đến thăm và mời lên Phủ Chủ tịch để gặp Bác. Căn phòng nơi Bác làm việc, chỉ đơn sơ mỗi một bộ bàn ghế. Bác trong bộ quần áo giản dị, quàng chiếc khăn rằn, chân đi đôi dép cao su ra hỏi chuyện cả đoàn. Câu hỏi đầu tiên của Bác làm tôi rất bất ngờ: “Có chú nào ở Tây Nguyên ra không?”. Sung sướng quá, tôi đã đứng dậy dạ thật to: “Thưa Bác, có mỗi mình cháu ạ!”. Người ân cần nói: “Chú ở Tây Nguyên ra, thế chú cho Bác biết, đồng bào Tây Nguyên có đủ muối, khoai sắn, cơm gạo để ăn, áo để mặc? ”.  Câu hỏi của Bác làm tôi rất xúc động, một lãnh tụ bận trăm công nghìn việc, đang phải dốc sức lo cho sự nghiệp lớn của toàn dân tộc vậy mà Bác vẫn quan tâm từ hạt muối, bữa cơm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tôi kể cho Bác nghe về cuộc sống còn đói, khổ của đồng bào lúc bấy giờ. Nghe xong, Bác đã đến vỗ vào vai động viên, căn dặn phải làm sao chăm lo cho đời sống của đồng bào mình tốt hơn nữa, để đồng bào Tây Nguyên đủ ăn, đủ mặc, không phải dùng tro tranh thay muối, vỏ cây thay vải… Vỏn vẹn chỉ 30 phút được trò chuyện với Bác nhưng anh em chúng tôi ngày ấy ai cũng nghẹn ngào, xúc động lắm. Ai cũng hứa với Bác sẽ cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao phó. Đến bây giờ, những lời căn dặn của Bác tôi vẫn khắc cốt ghi tâm.”

Khi chúng tôi hỏi về việc học tập Bác, ông chỉ cười hiền hậu: “Sau này, bản thân tôi luôn tự nhủ phải học tập Bác từ những điều giản dị nhất. Cũng như trong việc giáo dục con cháu, tôi vẫn thường nhắc nhở: Học tập tấm gương đạo đức của Bác chẳng phải gì cao xa, chính là các con, các cháu phải học từ ngay những điều bình dị, đời thường nhất của Người”. Đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông bảo, thà học và làm theo một điều nhỏ nhưng làm được, như vậy mới thiết thực. Bác thường xuống cơ sở, đến với dân không báo trước, không bố trí nơi đón rước linh đình. Bác đến thẳng nơi ăn ở, trong bếp núc, nơi làm việc, chỗ vệ sinh của công nhân, nông dân, bộ đội, nhà trẻ... xem tận nơi, quan tâm thiết thực đến đời sống mỗi người. Bác thường không chỉ nghe báo cáo viết sẵn, trình bày một chiều mà Bác bằng nhiều cách quan sát , nắm bắt từ thực tiễn nên không thể báo cáo sai, chạy theo thành tích. Ai cũng thấy Bác tiết kiệm từng thứ nhỏ nhất trong nếp sống và làm việc hằng ngày. Nhất là tiết kiệm thời giờ, Bác không bao giờ để những cuộc họp vô bổ kéo dài phí thời giờ của nhiều người… Giản dị là vậy nhưng chính sự bình thường, giản dị ấy làm cho Người thêm vĩ đại trong lòng dân tộc và thế giới. Ai cũng biết lời Bác dạy thì nhiều, nhưng chúng ta phải biết chọn cho mình bài học để làm theo, có lẽ chẳng gì khác ngoài việc cố gắng chu toàn bổn phận của mỗi người trong công việc, cuộc sống hằng ngày. 
 
Bác Hồ - “Người ông” kính yêu trong ký ức tuổi thơ
Tiếng con mang tác vang vọng giữa bạt ngàn màu xanh sẫm trải dài của rừng cây, dòng suối nhỏ nước trong văn vắt, các bạn nhỏ tại nhà trẻ ở ATK (An toàn khu kháng chiến – Thái Nguyên), quả đồi với căn lán đơn sơ…, đó là những hình ảnh không bao giờ phai trong ký ức tuổi thơ của nhạc sĩ Linh Nga Niê K’đăm. Những hình ảnh ấy dường như càng trở nên thiêng liêng hơn khi gắn với những kỷ niệm gần gũi, bình dị, đời thường về Bác và những lần bà vinh dự được gặp Người. Đã gần 60 năm trôi qua nhưng miền ký ức hạnh phúc ấy vẫn vẹn nguyên, hiện rõ như chỉ mới hôm nào…

 

Nhạc sĩ Linh Nga Niê K’đăm
Nhạc sĩ Linh Nga Niê K’đăm

 “…Ngày ấy, vào những năm 1953 – 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước sang giai đoạn phản công, ba tôi theo quân y Viện 9 bám sát chiến dịch Tây Bắc; mẹ tôi làm công tác ở Hội Phụ nữ, cũng theo các đoàn cán bộ đi vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Do vậy tôi đã được gửi vào trại trẻ của An toàn khu – và cũng chính ở đây tôi đã có những ký ức tươi đẹp cùng niềm hạnh phúc được gặp Bác trong hình ảnh bình dị, đời thường. Lúc ấy tôi chẳng hề biết Bác là một vị lãnh tụ cao nhất của kháng chiến mà chỉ thấy Bác hiền hậu, yêu quý trẻ nhỏ như ông ngoại ở nhà. Lũ trẻ con chúng tôi được thả cửa chạy chơi trong khu đồi có căn lán đơn sơ của Bác. Thỉnh thoảng Bác mang quà chia đều cho tất cả, khi thì gói kẹo người khác biếu Bác, khi thì những chùm trái cây và Bác còn dắt chúng tôi dạo chơi ven suối, bón cho những đứa bé nhất ăn… Có lần, các cô cho chúng tôi sang thăm nơi ở của Bác đúng vào lúc các nhà điện ảnh người nước ngoài đến quay phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, thế là chúng tôi cũng vinh dự được vào phim cùng Bác. Nhiều năm sau này, xem lại những thước phim đó, nhìn thấy chính gương mặt hớn hở của mình bên cạnh Bác, tôi cứ ngỡ như mơ, như được sống lại những giờ phút hạnh phúc lúc ấy…

Sau giải phóng, về Hà Nội cùng ba mẹ, tôi còn nhiều dịp được gặp Bác. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc gặp mặt các gia đình cán bộ công tác trong cơ quan. Một lần như thế Bác đến thăm và chúc Tết. Mọi người đứng thành vòng tròn trong căn phòng rộng, Bác lần lượt bắt tay thăm hỏi từng gia đình. Bác nhận ngay ra ba tôi và hỏi:

-    Gia đình chú Y Ngông đấy à?
Mẹ tôi nhắc nhỏ, tôi đưa cả hai tay ra bắt tay Bác. Đôi tay Bác có những ngón dài, gầy, khô và ấm nóng. Bác hỏi tôi:
-    Con gái Êđê có học chữ dân tộc Êđê không?
-    Thưa Bác, cháu học cả hai thứ chữ ạ.

Bác bước đi rồi mà tôi vẫn thấy hạnh phúc lâng lâng. Bởi bấy giờ tôi đã biết Bác là người lãnh đạo cao nhất của cả nước.

Những năm 1955-1967, ba tôi làm Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương. Từ khi Trường thành lập, cứ dịp Tết đến nếu không đến thăm thì Bác cũng gửi quà tặng Trường. Lần nào Bác đến thăm, tôi cũng lẽo đẽo theo ba đi đón Bác. Bác thường đi vào nhà ăn, ký túc xá trước rồi Bác dặn các cô cấp dưỡng phải nấu nướng cho sạch, có đủ lồng bàn đậy, đừng để ruồi bâu và nhắc các cô bảo mẫu phải giặt chiếu, chăn màn, quần áo các cháu, động viên các cháu hằng tuần tham gia vệ sinh sạch sẽ… Sau đó Bác mới đến hội trường, nơi mọi người đang tập trung chờ đón và trong buổi nói chuyện với học sinh của Trường, bao giờ Bác cũng căn dặn: “Các cháu phải học cho giỏi. Học nhiều ngành nghề. Sau này thống nhất đất nước sẽ về phục vụ cho quê hương, dân tộc mình”…

Có một lần, Bác đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa về, ba cho tôi đến sân bay Gia Lâm đón Bác. Ba còn mua cho tôi một bó hoa sen to để tặng Bác. Khi Bác tiến về đoàn cán bộ ra đón, tôi đứng gần ba mà tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Rồi Bác đến bên tôi tươi cười, cúi nhận bó sen tôi rụt rè trao tặng, Bác bảo: “À! Con gái Tây Nguyên đây mà”. Lúc ấy tôi hạnh phúc đến run lên bởi Bác bận trăm công nghìn việc mà vẫn nhớ đến tôi - một đứa bé dân tộc nhỏ nhoi...”.

Những kỷ niệm cùng niềm vui, niềm vinh dự và tự hào trong các lần được gặp Bác qua lời kể của người phụ nữ đa tài -  nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn Linh Nga Niê K’đăm cứ hiện lên sống động, tràn đầy xúc cảm. Bao nhiêu năm qua đi, có những ký ức dường như đã phai nhạt, nhưng những câu chuyện, ấn tượng về Bác trong lòng bà vẫn luôn đậm sâu và sáng mãi. Học giỏi để phục vụ quê hương, dân tộc – những lời căn dặn của Bác đã làm kim chỉ nam để bà phấn đấu và cống hiến trong suốt cuộc đời mình. Góp mặt ở nhiều lĩnh vực: âm nhạc, văn học, nghiên cứu… và ở lĩnh vực nào bà cũng đều rất thành công, có nhiều tác phẩm, bài viết, công trình nghiên cứu có giá trị. Trong đó, nhiều bản nhạc, bài hát, hồi ký, bài báo về Bác Hồ được bà sáng tác, ghi lại đã đi vào lòng công chúng, bạn đọc có lẽ cũng bởi trong những tác phẩm ấy chất chứa bao tình cảm chân thành, yêu kính, thiêng liêng của bà đối với Bác.

Đàm Thuần - Lê Hương - Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc