Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII
Hồi đáp các đề nghị tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử đại biểu Quốc hội
Ngày 25-2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, thỏa thuận số lượng người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh. Theo đó, đã thỏa thuận số lượng đại biểu Quốc hội được bầu là 9 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử từ 15 đến 18 người. Tại hội nghị này có ý kiến đề nghị nên tăng số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tỉnh từ 9 lên 11 đại biểu hoặc có những ý kiến đề nghị tăng cơ cấu nữ và thay đổi một số cơ cấu khác… Trên toàn quốc, nhiều tỉnh khác cũng có các đề nghị tương tự. Ngày 1-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số đề nghị sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở các địa phương về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII như sau:
Căn cứ vào các Điều 8, 9, 10 10a và 32 của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, sau khi xem xét báo cáo kết quả Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở các tỉnh, thành phố về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét và nhận thấy:
Đa số các địa phương nhất trí với dự kiến phân bố cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, có một số địa phương đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương, một số địa phương đề nghị thay đổi cơ cấu này bằng cơ cấu khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau:
- Về số lượng: Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII là 500 người, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng tiêu chí phân bổ và phân bổ hết cho các địa phương, số đại biểu phân bổ cho các địa phương cơ bản là hợp lý với tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII. Do đó, không bố trí tăng thêm đại biểu cho một số địa phương có công văn đề nghị (tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Nghệ An).
- Về cơ cấu định hướng: Trên cơ sở số lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ cơ cấu định hướng cho các địa phương. Nên chuyển từ cơ cấu này sang cơ cấu khác sẽ có cơ cấu tăng và cơ cấu giảm, đồng thời chuyển dịch sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ cấu khác. Bên cạnh đó, trước khi phân bổ cơ cấu về cho các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có trao đổi, thống nhất với các cơ quan ở Trung ương. Do vậy, đề nghị một số tỉnh, thành phố có đề nghị điều chỉnh cơ cấu xin được giữ nguyên cơ cấu để tránh ảnh hưởng đến cơ cấu chung, trong trường hợp cấp tỉnh không có ứng cử viên thì tìm chọn cán bộ trong ngành mà không nhất thiết phải là lãnh đạo ngành cấp tỉnh.
- Về cơ cấu hướng dẫn và cơ cấu kết hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ cho các tỉnh, thành phố ít nhất còn 1 cơ cấu hướng dẫn do địa phương tự chọn nhưng phải gắn với cơ cấu kết hợp, bảo đảm được cơ cấu kết hợp như tỷ lệ nữ, tỷ lệ dân tộc ít người, tỷ lệ người ngoài Đảng, tỷ lệ trẻ tuổi, tái cử…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tiến hành tổ chức Hội nghị Hiệp thương các lần tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc