Quốc hội khóa XII đã làm tốt vai trò phát huy quyền lực của nhân dân
Quốc hội khoá XII khép lại bằng kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, chất lượng. Qua 4 năm (2007-2011), Quốc hội khoá XII đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống xã hội, bồi đắp thêm niềm tin yêu của cử tri đối với Đảng và Nhà nước.
Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, Quốc hội thống nhất nhận định: Trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân; kế thừa, phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm của các khóa trước, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội khoá XII đã làm tốt vai trò phát huy quyền lực của nhân dân.
Hoạt động Quốc hội nhiệm kỳ này nổi lên điểm mới đáng quan tâm. Các phiên họp của Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được sắp xếp tiến hành theo từng nhóm vấn đề rất tập trung, không tản mạn. Chủ tịch Quốc hội cũng đã chủ động gợi ý và tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội chất vấn tranh luận sôi nổi. Nhiều đại biểu Quốc hội rất bản lĩnh, tranh luận thẳng thắn, mạnh mẽ, nảy lửa nhưng rất tâm huyết, chân tình và xây dựng. Văn hóa tranh luận đối thoại công khai tại nghị trường trước khi tiến hành biểu quyết cho thấy Quốc hội đã thực sự là của dân, do dân và vì dân. Trong tiềm thức của cử tri đối với Quốc hội hôm nay không còn hình ảnh những ông bà “nghị gật”. Sức “nóng” trên nghị trường Quốc hội lan toả, càng làm nhân dân tin tưởng hơn vào hoạt động của Quốc hội để cử tri mạnh dạn trình bày, gửi gắm những băn khoăn của mình mỗi lần tiếp xúc cử tri.
Tại Quốc hội khóa XII lần đầu tiên Quốc hội chất vấn các thành viên của Chính phủ trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh về kinh tế - xã hội giữa hai kỳ họp của Quốc hội được cử tri cả nước theo dõi và đánh giá cao. Cũng tại các kỳ họp khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên có báo cáo về giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan chức năng.
Cùng với những việc làm được đáng ghi nhận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước vẫn còn những yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của việc quyết định và điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, một số văn bản còn thiếu sự thống nhất, tính khả thi chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chưa tốt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Cải cách tư pháp cũng còn chậm.
Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc chậm nhất vào ngày 22-7-2011 với nhiều nội dung quan trọng như bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, tiếp tục xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; cho ý kiến và thông qua một số luật, đồng thời quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Đ. T
Ý kiến bạn đọc