Multimedia Đọc Báo in

Thảo luận về nhiệm kỳ công tác Quốc hội khóa XII: Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và giám sát

10:26, 25/03/2011

Sáng 24-3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-20011).

Các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo hoạt động cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9. Theo đó, mặc dù nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII hoạt động trong tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, nhưng Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động. Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề.  Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Đi sâu vào phân tích những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả nổi trội, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tới đây, trong đó có hạn chế về công tác lập pháp, hoạt động giám sát… Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng: Việc thay đổi liên tục chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ cũng như hằng năm đã khiến cho các đại biểu Quốc hội không có nhiều thời gian để nghiên cứu, thẩm tra, phản biện trước khi bấm nút thông qua. Điều này dẫn đến chất lượng một số Luật, Pháp lệnh khi được Quốc hội thông qua vẫn còn bộc lộ những bất cập, chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Cũng nêu ý kiến về những bất cập trong công tác lập pháp, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, việc vẫn còn tồn tại “luật ống, luật khung”, thiếu tính thực tiễn, nhiều dự án Luật mới ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là do chúng ta chưa có sự chuẩn bị thật kỹ trong quá trình soạn thảo, thẩm tra và ban hành. Chất lượng một số dự án Luật còn hạn chế, cơ quan soạn thảo chuyển tài liệu cho cơ quan thẩm tra còn chậm. Việc chấp hành pháp luật ngay tại một số cơ quan pháp luật còn chưa triệt để, chưa nói rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo.

Về công tác giám sát, nhiều đại biểu cho rằng thời gian dành cho hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội còn rất hạn chế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng: Trong một khoảng thời gian có hạn, một vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ không thể nào trả lời hết những kiến nghị, bức xúc của cử tri, chứ chưa nói đến của những vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng đồng tình với quan điểm của một số đại biểu khác là nên để quyền giám sát tối cao này cho các Ủy ban của Quốc hội là chính. Có như vậy, các vấn đề mà cử tri và các đại biểu quan tâm mới được mổ xẻ, phân tích một cách kỹ lưỡng hơn. Công tác hậu giám sát của Quốc hội cũng được nhiều đại biểu thảo luận tại phiên họp tổ này. Thực tế trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, việc quan tâm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội chưa được thường xuyên nên hiệu lực và hiệu quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa được như mong muốn. Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng, cần xây dựng thể chế để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực giám sát của các đoàn, có quy định để các đại biểu Trung ương tham gia ít nhất 1 lần giám sát của đoàn, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ với HĐND, MTTQ trong hoạt động giám sát.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã làm việc tại hội trường thảo luận dự án Luật phòng, chống mua bán người; dự thảo Bộ Luật Tố tụng dân sự và dự thảo Luật Thủ đô.

H.T (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc