Multimedia Đọc Báo in

Những gương sáng làm theo lời Bác

09:07, 11/05/2011

Từ học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi người tự trau dồi, rèn luyện và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với trình độ chuyên môn và lĩnh vực công tác. Mỗi gương sáng làm theo lời Bác là những hạt nhân tích cực để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Bác sĩ  BÙI TRƯỜNG PHONG – Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh: Thực hiện y đức người thầy thuốc bằng việc không ngừng nâng cao trách nhiệm với bệnh nhân

 
Bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tâm sự: Trong xã hội, nghề y thuộc nhóm nghề có tính đặc thù, bởi lẽ đối tượng phải tiếp cận đa dạng và ở hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe khác nhau. Có thái độ hòa nhã với người bệnh, nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản vì những người công tác trong lĩnh vực này thường xuyên bị rơi vào áp lực tâm lý. Thế nên, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với tư cách lãnh đạo và quản lý Bệnh viện, bác sĩ Phong đã quan tâm trau dồi rèn luyện y đức của người thầy thuốc bằng việc nâng cao trách nhiệm với người bệnh. Từng khoa phòng trong Bệnh viện có hộp thư, đồng thời hằng tuần tổ chức họp để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân góp ý về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức trong Bệnh viện. Hằng tháng đại diện bệnh nhân từng khoa được mời tham dự hội nghị của Bệnh viện để phản ánh ý kiến. Bên cạnh đó, bệnh viện gửi phiếu khảo sát ý kiến về sự hài lòng hoặc không hài lòng của bệnh nhân tới từng giường bệnh, thực hiện điện thoại nóng trực 24/24. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Giám đốc Bệnh viện kịp thời giải quyết những kiến nghị, thắc mắc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, chấn chỉnh những việc làm không đúng của cán bộ công nhân viên, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt quan tâm đến những đối tượng đặc biệt khó khăn, Bệnh viện thành lập bếp ăn tình thương tại Khoa dinh dưỡng với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và cán bộ công chức trong cơ quan, hằng ngày nuôi ăn cho khoảng 50-100 bệnh nhân nghèo. Lấy chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ viên chức, phấn đấu phục vụ hết bệnh nhân chứ không tính hết giờ. Đó là nguyên tắc cũng là phương châm mà Giám đốc Bùi Trường Phong tâm niệm và không ngừng cùng đồng nghiệp, nhân viên trong Bệnh viện nỗ lực trau dồi, rèn luyện.

Chi bộ 8 thuộc Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo: Thành công với công trình nghiên cứu, biên soạn xây dựng chương trình sách tiếng dân tộc

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chi bộ Ban nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc (chi bộ 8) thuộc Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề ra Nghị quyết chuyên đề về công tác nghiên cứu, biên soạn xây dựng chương trình sách tiếng dân tộc. Năm 2006, Ban mới chỉ biên soạn được sách giáo khoa quyển 1 (lớp 3) được ban hành cấp quốc gia, chưa có sách ngữ pháp tiếng Êđê, sách tham khảo về tiếng Êđê, chưa có bộ sách dạy tiếng M’nông cho cán bộ công chức. Nghiên cứu, biên soạn xây dựng chương trình sách tiếng dân tộc được Chi bộ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được lên kế hoạch xây dựng chương trình hành động. Theo đó, năm 2009, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, Ban nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc đã biên soạn được 4 quyển truyện tranh song ngữ Êđê- Việt cho thiếu nhi; phối hợp với Viện Ngôn ngữ biên soạn sách ngữ pháp tiếng Êđê đã được thẩm định, chuẩn bị ban hành. Năm 2010, Ban đã biên soạn được thêm hai bộ sách quyển 1 (lớp 4); quyển 1 (lớp 5) hoàn thành chương trình tiếng Êđê cấp tiểu học, đồng thời hoàn thành bộ sách dạy tiếng Êđê và tiếng M’nông cho cán bộ công chức trong tỉnh. Bên cạnh đó, Ban nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc đã làm tốt công tác tham mưu cho Sở Giáo dục – Đào tạo xây dựng Đề án “Dạy tiếng Êđê trong nhà trường phổ thông giai đoạn 2010-2015” và được HĐND, UBND thẩm định cho phép triển khai.

Những việc làm trên của Chi bộ 8 đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc bản địa. Bộ sách dạy tiếng Êđê, M’nông đã giúp cán bộ công chức nắm bắt được tiếng nói, chữ viết và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhất là công tác dân vận trong tình hình mới.

Chị NGUYỄN THỊ LÝ – đảng viên Đảng bộ Tỉnh Đoàn Dak Lak: Luôn đề cao phương châm “nói đi đôi với làm”

Chị Nguyễn Thị Lý trong một buổi tham gia hoạt động phong trào thanh niên.
Chị Nguyễn Thị Lý trong một buổi tham gia hoạt động phong trào thanh niên.

Với nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, trong suốt quá trình công tác và đặc biệt là thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Nguyễn Thị Lý luôn đề cao phương châm “nói đi đôi với làm”.

Phương châm sống và làm việc ấy được chị hiện thực hóa bằng nhiều việc làm cụ thể. Chị đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án như: Đề án “Khởi nghiệp” cho thanh niên; thực hiện tốt Đề án “Xây dựng điểm Internet và phổ biến KHCN”; Đề án “Tuyên truyền – giữ gìn trật tự ATGT” trong thanh thiếu nhi; các chương trình “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”,  “Hành trình nhân ái – vui tết Nguyên đán cho người nghèo”, xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình có điều kiện đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thanh niên xây dựng mô hình phát triển kinh tế… mang lại hiệu quả xã hội thiết thực. Đứng trước những khó khăn, bất cập trong hoạt động Hội và công tác thanh niên, chị đã trực tiếp tham mưu cho Hội LHTN tỉnh xây dựng Phương án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội LHTN Việt Nam các cấp (giai đoạn 2007 – 2009)” theo phương châm đa dạng hóa các loại hình đoàn kết tập hợp thanh niên, củng cố và nâng cao vai trò của các tổ chức thành viên. Ngoài ra chị còn có các sáng kiến khác như: Xây dựng “Sổ Chi hội”, giúp định hướng nội dung sinh hoạt, quản lý hội viên thanh niên và cung cấp những kiến thức cơ bản cho các Chi hội trưởng thôn buôn trong toàn tỉnh; tham mưu, tổ chức chương trình liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tỉnh Dak Lak lần thứ nhất, góp phần nâng cao kỹ năng đoàn kết tập hợp thanh niên.

Để các ý tưởng của mình thành hiện thực, chị Nguyễn Thị Lý cho rằng:  “Khi triển khai công việc, mình phải là người đầu tiên “xắn tay” vào làm thì mới có thể thành công được”.

Chi bộ Thư viện tỉnh thuộc Đảng bộ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc vùng xa và cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng

Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ Thư viện tỉnh đã hưởng ứng và thực hiện bằng việc làm thiết thực là nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc ở vùng sâu vùng xa và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trước đây như chất lượng phục vụ chưa cao, số đầu sách còn thiếu. Theo đó, mặc dù công tác phục vụ bạn đọc tuyến biên giới rất vất vả, đa số nhân viên thư viện lại là nữ, việc đi lại gặp không ít khó khăn, nhiều lần chị em phải qua sông bằng thuyền, giao nhận sách giữa rừng... nhưng mỗi thủ thư, cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh lấy niềm vui của nhân dân, chiến sĩ khi được cầm, đọc những cuốn sách do chính mình mang tới chính là nguồn động viên để cố gắng vượt qua.

Cán bộ viên chức Thư viện tỉnh đang kiểm tra đầu sách do Thư viện quản lý.
Cán bộ viên chức Thư viện tỉnh đang kiểm tra đầu sách do Thư viện quản lý.
Từ những nỗ lực ấy, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, số đầu sách tăng trên 1000 bản với trị giá 45 triệu đồng và được đầu tư nhiều hơn không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Ngoài ra, hằng năm Thư viện tỉnh cũng tăng cường số đợt phục vụ bạn đọc nhân dân vùng xa và cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng, hơn 4 lần/năm (2 lần mang sách mới, 2 lần đổi sách giữa các đồn). Với các xã vùng 3, Thư viện tỉnh cũng thường xuyên đi phục vụ lưu động với số sách lên tới 17.105 bản, trị giá 475 triệu đồng và tặng nhiều báo, tạp chí cho bạn đọc. Bên cạnh đó, với mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ cho bạn đọc trong những năm qua, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính bổ sung kinh phí trên 200 triệu đồng để đóng giá sách, xử lý kỹ thuật và giao sách cho mỗi đồn biên phòng trung bình 500 bản/đồn và 2 giá sách trị giá 6 triệu/giá. Ngoài ra, Thư viện tỉnh cũng đã xây dựng cho mỗi đồn biên phòng một phòng đọc sách, mỗi xã vùng 2 một tủ sách với đầy đủ các thể loại.

Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên: Điểm sáng trong công tác đào tạo nguồn và phát triển đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số

Từ năm 2000 đến 2006 Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên chỉ kết nạp được 1 đảng viên trong khối sinh viên. Để làm tốt công tác phát triển đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số không phải là điều dễ dàng, bởi tiêu chí để kết nạp đảng viên đặt ra khá cao: Đối với học sinh, sinh viên phải có kết quả học tập từ loại khá trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều thành tích trong hoạt động phong trào đoàn thể, là đoàn viên ưu tú trong khi mặt bằng nhận thức về văn hóa – xã hội của học sinh còn nhiều hạn chế, định hướng phấn đấu chưa rõ ràng, nếp sống sinh hoạt và những khó khăn về vật chất, tinh thần đã có những ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và động cơ phấn đấu…

Trước tình hình đó, cấp ủy Chi bộ đã đưa công tác đào tạo nguồn và phát triển đảng viên học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số vào nghị quyết chuyên đề trong công tác xây dựng Đảng. Hằng tháng trong nội dung sinh hoạt Chi bộ đều có nội dung bàn về công tác đào tạo nguồn và phát triển đảng viên trong khối học sinh, sinh viên, nhất là đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Mặt khác, Chi bộ quan tâm chỉ đạo Đoàn thanh niên tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, nhận thức về Đảng cho học sinh, sinh viên, từ đó phát hiện và giới thiệu đoàn viên ưu tú để tạo nguồn đối tượng cho Đảng. Cấp ủy phân công nhiệm vụ cho đảng viên, giúp đỡ đối tượng và thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, khi các đối tượng đã đủ điều kiện phát triển Đảng.

Với sự quan tâm, chú trọng cùng những biện pháp cụ thể, trong 4 năm qua (2007-2010) Đoàn trường đã giới thiệu cho Chi bộ được 42 đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, từ đó Chi bộ đã giới thiệu được 27 đoàn viên ưu tú học lớp đối tượng Đảng, kết nạp được 11 đảng viên mới trong khối học sinh, sinh viên (trong đó có 9 đảng viên là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số). Những kết quả đạt được về công tác phát triển đào tạo nguồn, phát triển đảng viên trong khối học sinh, sinh viên của Chi bộ đã góp phần cùng Đảng bộ nhà trường thực hiện tốt chỉ tiêu công tác phát triển đảng viên do đảng ủy cấp trên giao; thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các phong trào thi đua học tập, rèn luyện; xây dựng được nhiều nòng cốt trong các hoạt động như: phong trào thanh niên tình nguyện, hoạt động tự quản, văn nghệ thể thao… góp phần thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường về giáo dục toàn diện đối với học sinh, sinh viên.

Lê Ngọc Huyền Trâm - Cô học trò có “thâm niên” làm công tác Đoàn

 
Gần 18 tuổi, nhưng có “thâm niên” làm công tác Đoàn, Đội hơn 10 năm; từng giữ cương vị Liên đội trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Ủy viên Ban chỉ huy Liên đội Trường THCS Phan Chu Trinh và hiện tại là Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, cô học trò Lê Ngọc Huyền Trâm, lớp 12 Chuyên Toán, luôn là tấm gương về học tập và đi đầu trong các hoạt động Đoàn.

Bên cạnh bề dày thành tích gồm nhiều giấy khen, bằng khen về công tác Đoàn: Giấy khen hoạt động Đoàn xuất sắc của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du 3 năm liền; Giấy khen hoạt động Đoàn xuất sắc của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh 2 năm liền; Giải Nhì Cuộc thi “Cán bộ Đoàn tài năng” do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức; Giải Nhì Cuộc thi “Cán bộ Đoàn tài năng” do Tỉnh Đoàn tổ chức năm 2009; Giải Nhì Cuộc thi “Viết nhật ký, sổ vàng làm theo lời Bác”; Học bổng “Thắp sáng ước mơ làm cán bộ Đoàn”…, Huyền Trâm còn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học; là đại biểu được tuyên dương “Gương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác” giai đoạn 2007-2009; được nhận Học bổng “Vì nữ sinh tài năng Việt Nam” năm học 2008-2009. Say mê các môn tự nhiên (điểm trung bình môn Toán: 9,7; Hóa: 9,0; Lý: 8,5) và cũng rất yêu thích các môn xã hội nên năm lớp 12 này, Huyền Trâm đạt điểm trung bình các môn là 8,9. Luôn đặt nhiệm vụ học tập lên hàng đầu nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của công tác Đoàn, để làm tốt cả hai điều đó, hằng ngày Trâm luôn lên kế hoạch cụ thể, đề ra những việc cần làm và cố gắng hoàn thành công việc đó trong khoảng thời gian đã dự kiến. Nhờ sự sắp xếp khoa học, nên dù kín lịch nhưng mọi việc đều được Trâm “vận hành” trôi chảy nên vẫn có thời gian làm được những công việc yêu thích: tham gia các phong trào do Đoàn Trường và Đoàn cấp trên phát động; cùng các bạn hoạt động tình nguyện quyên góp sách vở, đồ dùng học tập tặng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…

Có thể nói, đối với Huyền Trâm, hoạt động Đoàn gắn bó tự nhiên như một cái “duyên”. Và cái “duyên” đó thể hiện ở cách nói chuyện thu hút, ở sự tự tin, ở năng khiếu khuấy động phong trào và đặc biệt là niềm say mê, đầy hứng thú mỗi khi bàn về các phong trào, hoạt động của công tác Đoàn. Huyền Trâm “bật mí” kinh nghiệm của mình: Để lôi kéo các bạn tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn, trước hết người cán bộ Đoàn phải có lòng nhiệt tình, nhiệt huyết, luôn là người gương mẫu đi đầu, nắm rõ các hoạt động của phong trào từ đó lên kế hoạch cụ thể, tổ chức sinh hoạt phong phú, đa dạng, tạo nhiều sân chơi thú vị để thu hút được đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên…

Nhóm PV


Ý kiến bạn đọc