Việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào?
Theo quy định, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Trước khi mở hòm phiếu, tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong tất cả số phiếu bầu không sử dụng đến. Người được chứng kiến việc kiểm phiếu gồm: hai cử tri biết đọc, biết viết không phải là người ứng cử, đại diện cơ quan, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm, các phóng viên báo chí. Sau đó, tổ bầu cử tiến hành việc kiểm phiếu với các nhiệm vụ sau đây: Xác định tổng số phiếu bầu đã phát ra; xác định tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu; nghiêm cấm việc bỏ phiếu sau khi đã mở hòm phiếu; kiểm tra hòm phiếu và tiến hành mở hòm phiếu (cả hòm phiếu phụ nếu có); xác định tổng số phiếu được lấy ra từ hòm phiếu; so sánh tổng số phiếu được lấy ra từ hòm phiếu với số phiếu đã phát ra và với tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu; xác định số phiếu hợp lệ; xác định số phiếu không hợp lệ; đếm số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử; giải quyết những khiếu nại, tố cáo về bầu cử hoặc chuyển đến ban bầu cử giải quyết; làm biên bản kết quả kiểm phiếu.
Biên bản kiểm phiếu phải được lập thành 3 bản, có chữ ký của tổ trưởng, thư ký và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu được gửi đến ban bầu cử và UBND, Ban Thường trực UBMTTQ xã, phường, thị trấn chậm nhất là 3 ngày sau ngày bầu cử. Sau khi hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử trong cả nước thì tổ bầu cử có trách nhiệm giao toàn bộ phiếu bầu, con dấu của tổ bầu cử, hòm phiếu và các phương tiện, tài liệu khác có liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội cho UBND xã, phường, thị trấn để lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Nguồn Hội đồng Bầu cử TƯ
Ý kiến bạn đọc