Multimedia Đọc Báo in

NHỮNG ĐIỂM MỚI CHỦ YẾU VỀ MÔ HÌNH CỦA CƯƠNG LĨNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN NĂM 2011)

19:00, 09/06/2011
  Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ Quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) - xin được gọi là Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, là sự kế thừa, bổ sung và phát triển của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ Quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 (gọi là Cương lĩnh năm 1991) trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, đặc biệt là những thành tựu hết sức to lớn về mọi mặt mà đất nước đạt được qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991.

Về mặt kết cấu, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 về cơ bản giống so với Cương lĩnh năm 1991,  gồm có 4 mục lớn với 12 nội dung. Tuy nhiên, mục III của Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 viết “những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, còn Cương lĩnh năm 1991 nêu “những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại”. Như vậy, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã thay “chính sách” bằng “phát triển” và bổ sung thêm “văn hoá” vào trong mục lớn. Điều này không chỉ thể hiện tư duy cách mạng, phát triển của Đảng ta mà còn thấy được vai trò ngày càng quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển đất nước.

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đây là một sự khẳng định mang tính khái quát nhất về sự tất yếu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 khẳng định: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

So với Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh lần này bổ sung 2 đặc trưng (nâng tổng số đặc trưng lên thành 8 so với 6 của Cương lĩnh năm 1991): Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng  “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Hai đặc trưng này đã bổ sung tại Đại hội X (năm 2006). Điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” trong đặc trưng bao trùm, tổng quát. Bởi vì, cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh, không có dân chủ thì công bằng cũng không được thực hiện. Sự thay đổi vị trí này còn phản ánh ý thức chính trị và yêu cầu dân chủ của nhân dân ta ngày càng cao; đồng thời, để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về chủ thể, Cương lĩnh lần này khẳng định “Do nhân dân làm chủ” (Cương lĩnh năm 1991 là “Do nhân dân lao động làm chủ”). Sự bổ sung, phát triển đặc trưng  này là cần thiết, chính xác với mục tiêu khi xây dựng xong chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, còn là sự phù hợp với thực tiễn của đất nước qua hơn 20 năm đổi mới, đồng thời là sự ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân vào quá trình phát triển.

Đặc trưng về kinh tế, trong các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, có một đặc trưng trong quá trình thảo luận có những ý kiến khác nhau. Cương lĩnh năm 1991 xác định “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Qua tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua hơn 20 năm đổi mới, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đại hội X xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Kế thừa Đại hội X, Cương lĩnh lần này xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (so với Đại hội X bổ sung thêm từ “tiến bộ”, Đại hội đã biểu quyết với 65,04% đồng ý với đặc trưng này).

Đặc trưng về con người, Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Việc bổ sung lần này không làm mất đi bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội chúng ta hướng tới mà còn thể hiện được tính triệt để trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, Cương lĩnh lần này đã mang tính khái quát cao hơn khi nói đặc trưng về con người.

Đặc trưng về dân tộc, Cương lĩnh 1991 xác định: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Cương lĩnh lần này đã xác định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Đặc trưng về hợp tác quốc tế, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Có thể nói, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 nhiều điểm mới mang tính kế thừa, phát triển cho phù hợp với thực tiễn vẫn động của đất nước 20 năm qua cũng như sự phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Lương Nam


Ý kiến bạn đọc