Trí tuệ Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam vì sự phát triển bền vững biển, đảo Tổ quốc
Đây là sự kiện thường niên với quy mô cấp quốc gia nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển và hải đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011 là dịp để một lần nữa Việt Nam khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hưởng ứng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường biển vì sự phát triển bền vững của hành tinh.
Đảo Phan Vinh (Quần đảo Trường Sa) sáng mãi tên người Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh - Thuyền trưởng Tàu Không số, hy sinh trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại năm 1968. (Ảnh: T.M.T) |
Nhân sự kiện này, tối 8-6, tại buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2011 diễn ra ở thành phố Nha Trang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục khẳng định và tổ chức thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác biển, đảo. Đó là tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc... Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và pháp luật về lĩnh vực biển, đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển, hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả để quản lý chặt chẽ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển, đảo cho sự nghiệp phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển, đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi người Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài khoảng 3260 km, hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn. Biển Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép chúng ta phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; cảng biển, vận tải biển, sửa chữa và đóng tàu; khai thác tài nguyên khoáng sản; du lịch; thông tin liên lạc…
Trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển mang lại đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Theo ước tính hiện nay, tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm 48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển… |
Ý kiến bạn đọc