Multimedia Đọc Báo in

Văn kiện Đại hội XI của Đảng với vấn đề xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

08:31, 28/06/2011

Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc và của toàn nhân loại. Xây dựng, phát triển gia đình ngày càng trở thành mối quan tâm của các quốc gia, dân tộc, chính phủ và các đảng cầm quyền. Đảng ta, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình cách mạng đã luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát triển gia đình, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà trước hết là của Đảng. Theo tinh thần đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam trong điều kiện mới với những nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng gia đình Việt Nam theo mô hình: “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”(1). So với các Đại hội trước, mô hình gia đình mà chúng ta cần xây dựng trong thời kỳ mới được Đảng ta diễn đạt khái quát ngắn gọn, súc tích hơn. Đây là mong muốn, khát khao của tất cả mọi người Việt Nam và phù hợp với xu hướng phát triển tiến bộ của nhân loại.

Hai là, xây dựng gia đình “thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”(2), gia đình là cơ sở, điều kiện, nội dung, động lực và mục tiêu của phát triển bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ rằng, “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(3). Điểm mới cần lưu ý ở đây là phải xây dựng để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội. Có như thế gia đình mới thật sự là cơ sở, điều kiện, nội dung, động lực, mục tiêu của phát triển bền vững và của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ba là, gia đình là “môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người”(4); chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Đây là việc khẳng định chức năng giáo dục của gia đình, một chức năng cơ bản, quan trọng và không thể thay thế trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách cá nhân. Gia đình có nhiệm vụ tạo lập nền tảng nhân cách cá nhân để góp phần cùng với nhà trường và xã hội xây dựng những thế hệ con người Việt Nam “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”(5).

Bốn là, thực hiện bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ 6). Nam và nữ phải được gia đình, xã hội đối xử như nhau về mặt cơ hội, điều kiện để phát huy khả năng trong phát triển cũng như thụ hưởng thành quả từ sự phát triển đó. Gia đình phải đem lại no ấm, tiến bộ, hạnh phúc cho mỗi thành viên của mình, trong đó cần chú ý đến phụ nữ vì phụ nữ đã và đang chịu nhiều thiệt thòi về các phương diện. Thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là một nội dung quan trọng của tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, đây cũng là việc thực hiện một trong những Mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với tư cách một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên Hợp quốc.

Năm là, gia đình có vai trò “giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam”(7). Đây cũng là một trong những chức năng quan trọng của gia đình. Văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc là một trong những sức mạnh của quốc gia, dân tộc, là mục tiêu và động lực của phát triển. Bản sắc văn hóa dân tộc chỉ được lưu giữ, trao truyền và phát triển một cách hiệu quả thông qua môi trường gia đình. Thông qua chức năng này mỗi cá nhân, nhất là thế hệ trẻ thấm đượm tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc và tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Để xây dựng, phát triển gia đình theo các nội dung trên, Đại hội XI của Đảng cũng xác định những phương hướng, giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư… Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh niên, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chăm lo đời sống những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi…(8).

Thứ hai, thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số, duy trì mức sinh hợp lý, quy mô gia đình ít con. Có chính sách cụ thể bảo đảm tỷ lệ cân bằng giới tính khi sinh…làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Chú trọng bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em…(9). Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ỏ những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ (10).

Thứ tư, thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước. Tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn (11). Có chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ, bộ đội, công an, nhân dân thực hiện nhiệm vụ biên cương của Tổ quốc (12).

Thứ năm, tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại. Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực…Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ…(13).

Tóm lại, những nội dung quan điểm về xây dựng phát triển gia đình trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng là toàn diện và sâu sắc, vừa mang tầm định hướng chiến lược lâu dài, vừa là phương hướng, giải pháp có tính cụ thể, trước mắt; vừa đáp ứng yêu cầu mới của tiến trình phát triển đất nước vừa thể hiện việc thực thi có trách nhiệm những cam kết quốc tế trong lĩnh vực gia đình của Đảng, Nhà nước ta. Tinh thần xây dựng phát triển gia đình trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng phải được quán triệt, nhận thức và thực thi trong cuộc sống bằng những chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị, của các gia đình và của toàn xã hội.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn

---------------

Chú thích:
(1),(2),(4),(5),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13)
Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, NXB CTQG, H, 2011, tr 77; 77; 77; 40; 126; 223;79-80; 231; 231; 230; 203; 223.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, NXB CTQG, H, 1996, tr 523.


Ý kiến bạn đọc