Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIII

15:09, 21/07/2011

Ngày  21-7, Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc, cho ý chí và trí tuệ của cả dân tộc. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội nhiệt liệt biểu dương tinh thần làm chủ, xây dựng đất nước của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhiệt liệt chào mừng thắng lợi to lớn của cuộc bầu cử.  
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIII
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc kỳ họp

 Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những thành công của Quốc hội khóa XII: “Quốc hội khóa XII đã đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong việc thực hiện cả 3 chức năng rất cơ bản: lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước”. Đây là tiền đề quan trọng để Quốc hội khóa XIII và các khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới và phát triển.   


Phân tích những thành quả và hạn chế về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội “phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động, phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước”.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử trung ương đã trình bày Báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Báo cáo nhấn mạnh: cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thành công tốt đẹp. “Thắng lợi toàn diện và to lớn của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”...
 
Bản báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ và phân tích những mặt còn hạn chế của cuộc bầu cử, từ đó kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai bầu cử, trong đó có công tác dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu; ban hành văn bản hướng dẫn bầu cử, thành phần Hội đồng bầu cử và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trung ương trong quá trình chuẩn bị bầu cử...
 
Đặc biệt, nhiều quy định trong các luật bầu cử hiện hành cũng được kiến nghị sửa đổi. Theo đó, kiến nghị hợp nhất hai luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Thời hạn từ công bố ngày bầu cử đến khi bầu cử được đề nghị kéo dài hơn. Tiêu chuẩn đại biểu và điều kiện tự ứng cử cũng cần được quy định cụ thể để khắc phục tình trạng chất lượng người tự ứng cử nhìn chung chưa cao, tỷ lệ trúng cử thấp so với số lượng ứng cử viên. Liên quan đến công tác hiệp thương, Hội đồng bầu cử cho rằng cần bổ sung thời gian cho giai đoạn thực hiện bước 4 – bước lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, vì đây là bước có khối lượng công việc rất lớn; thống nhất hình thức biểu quyết tại Hội nghị bằng phiếu kín nhằm phát huy tính dân chủ, tạo điều kiện cho cử tri thể hiện đúng chính kiến của mình...
 
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Tổng bí thư đề nghị Quốc hội quan tâm thực hiện một số định hướng lớn. Đó là tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi. Đặc biệt, Quốc hội khóa này cần dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Bên cạnh đó là yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội; kịp thời phát hiện và kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách, chấn chỉnh sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực thi chính sách... Tổng bí thư mong muốn Quốc hội đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề của đất nước.
 
 Riêng tại kỳ họp này, Quốc hội còn có trọng trách xem xét, lựa chọn, bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước. Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn để bầu và phê chuẩn được những người xứng đáng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
   Theo Báo SGGP
 

 


Ý kiến bạn đọc