Multimedia Đọc Báo in

82 năm một chặng đường vẻ vang

09:27, 03/02/2012

Cách đây tròn 82 năm đã diễn ra một sự kiện trọng đại đối với đời sống và vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Đó là Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam đã họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Kể từ thời điểm lịch sử này, Đông Dương Cộng sản Đảng (17-6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (11-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1-1930) hợp nhất thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, đồng bào, đồng chí cả nước. Đây là các văn kiện quan trọng, hợp thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, giải quyết những vấn đề cơ bản và định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ là hệ tư tưởng lý luận của giai cấp công nhân, phong trào công nhân mà còn là vũ khí giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc, giải phóng toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.

Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng tại Pháp.       Ảnh Tư liệu
Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng tại Pháp. (Ảnh Tư liệu)

Như lịch sử đã thể hiện, trong suốt nhiều thập kỷ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng Việt Nam, tuy nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chung là do tư tưởng dẫn đường của các phong trào đó và những con đường giải phóng dân tộc, phát triển đất nước do các phong trào đó vạch ra không còn phù hợp với nhu cầu và xu thế vận động của thế giới trong thời đại mới. Cuộc khủng hoảng về đường lối và sự bế tắc về con đường cách mạng đã được giải quyết với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương làm cách mạng vô sản, gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa; gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội; gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới mà đội tiên phong là Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại. Sự lựa chọn con đường cách mạng đó là sự lựa chọn của chính lịch sử, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân Việt Nam. Nhờ vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi vĩ đại:

Một là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỷ nguyên mới mở ra, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ba là, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi còn chiến tranh và trong những năm đầu sau khi nước nhà thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm sáng kiến của nhân dân, Đảng đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế.

Với những thắng lợi giành được trong hơn tám thập kỷ chiến đấu và chiến thắng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và vững bước trên con đường Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhìn lại chặng đường hơn 80 năm xây dựng và phát triển của Đảng và của cách mạng nước ta, chúng ta tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà Đảng ta, dân tộc ta đã giành được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong dựng xây đất nước. Chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, một đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và lợi ích dân tộc, vững vàng trước mọi thách thức, sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, chúng ta càng phải quyết tâm làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng vừa là đòi hỏi chính đáng của xã hội, vừa là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Chỉ có như vậy, Đảng mới thật sự xứng đáng với sự ủy thác của nhân nhân để lãnh đạo đất nước. Trong những năm qua, Trung ương Đảng đã ra nhiều nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn “nhiệm vụ then chốt”, ngày 16-1-2012 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết xác định ba vấn đề cấp bách. Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong ba vấn đề đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ cấp bách, Hội nghị nêu hàng loạt giải pháp cụ thể, được tập hợp trong bốn nhóm giải pháp: về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thật sự khó khăn, phức tạp vì đó là cuộc đấu tranh với chính mình nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của bản thân mình. Mọi sự bàng quan hay nôn nóng, chậm trễ hay vội vàng, do dự hay ngẫu hứng…đều không đem lại kết quả tích cực. Cuộc đấu tranh này cần có một quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng, toàn dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở; ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của mỗi đảng viên; tấm gương của các cán bộ lãnh đạo, quản lý; sự giám sát thường trực của nhân dân…Chỉ như vậy, Đảng mới tiếp tục vững vàng trong sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo


Ý kiến bạn đọc