Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Mở rộng đối tượng được yêu cầu giám định tư pháp
Sáng qua (29-5), Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giám định tư pháp.
Liên quan đến mô hình tổ chức giám định tư pháp, đại đa số ý kiến của các đại biểu QH tán thành phương án hai, đồng nghĩa với việc giữ như hiện hành, theo đó công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định việc pháp y tử thi. Nhiều ý kiến đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người).
Phát biểu tại hội trường, nhiều ý kiến đều nhất trí đưa các tổ chức giám định pháp y về một mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Tuy nhiên, nên giữ giám định viên pháp y của thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì giám định pháp y không đơn thuần là nghiệp vụ y tế, mà còn góp phần vào bảo đảm an ninh, trật tự. Theo một số đại biểu, trong bao năm qua, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đã đóng góp quan trọng trong điều tra xử lý các vụ việc, đảm bảo độ chính xác, khách quan và nhanh chóng. Hơn nữa, giám định pháp y của công an không những xác định nguyên nhân gây chết mà còn góp phần xác định cách thức gây án, hung khí… tạo thuận lợi trong quá trình phá án. Có đại biểu nhấn mạnh, công an đóng vai trò chủ đạo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu bỏ giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án. Ngoài ra, hiện tại lực lượng giám định viên thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh đang hoàn thành tốt nhiệm vụ nên cần giữ giám định pháp y thuộc công an.
Về phạm vi hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Theo đó, về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Nhiều đại biểu đồng tình với quy định mở rộng quyền cho đương sự trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp nhằm tạo sự bình đẳng trong quan hệ tố tụng và phù hợp với cải cách tư pháp. Đồng thời đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng được yêu cầu giám định tư pháp.
Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp, dự thảo luận quy định: Giám định viên tư pháp có ít nhất 5 năm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập; Có Đề án hoạt động theo quy định. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức giám định tưc pháp ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác như: giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, các ý kiến cho rằng không thể xã hội hóa 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc