Bác Hồ với việc phòng chống tham nhũng
Sinh thời, Bác Hồ có một ham muốn “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Để thực hiện ham muốn cao cả đó, Người đã dành hết tâm sức cuộc đời mình lo cho dân, cho nước. Trong nhiều nỗi lo ấy, có một nỗi lo mà Bác gọi là “giặc nội xâm”, đó là nạn quan liêu, tham nhũng, hối lộ, xa rời quần chúng nhân dân...
Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong - Bình Xuyên - Vĩnh Phúc trong chuyến về thăm 12-2-1956. Ảnh: Tư liệu |
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã có thư gửi các kỳ, tỉnh, huyện, làng… đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 17-10-1945 cảnh báo về nguy cơ một bộ phận cán bộ cậy chức, cậy quyền, hối lộ, tham ô, hủ hóa… làm ảnh hưởng uy tín cách mạng và căn dặn các cấp chính quyền “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Và để ngăn chặn nguy cơ này, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ: Giám sát tất cả công việc và nhân viên các UBND và các cơ quan của Chính phủ; nhận đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét tài liệu, giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chỉ bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử. Cũng theo sắc lệnh này, Tòa án đặc biệt được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chánh án cùng với sự tham gia hội thẩm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tư pháp. Đây có lẽ là cơ quan chống tham nhũng đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta. Điều thú vị là “thượng phương bảo kiếm” của Ban Thanh tra đặc biệt được Bác Hồ giao cho hai người cũng hết sức đặc biệt: một già, một trẻ đều có đức, có tài, có uy tín với nhân dân. Đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, một người nổi tiếng liêm khiết, nguyên Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn nhưng hết lòng vì nước, vì dân và nhà thơ trẻ tài hoa Cù Huy Cận.
Để tạo hành lang pháp lý cho Ban Thanh tra đặc biệt hoạt động hiệu quả đúng với tinh thần với Hiến pháp (Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 nhưng chưa công bố và thi hành), ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 về việc "xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân". Chế tài cho các tội danh này là hình phạt rất nghiêm khắc: phạt khổ sai từ 5 năm đến 20 năm và phạt tiền gấp đôi tang vật, tịch thu 3/4 tài sản. Đối tượng điều chỉnh của sắc lệnh này bao gồm tất cả công chức chính phủ, UBND các cấp và tất cả những người phụ trách công vụ… Có thể nói, đây là đạo luật chống tham nhũng đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta, ra đời trong điều kiện chính quyền cách mạng non trẻ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đang rình rập. Những việc làm này đã cho chúng ta thấy tính cấp bách của cuộc chiến chống tham nhũng và tầm nhìn xa trông rộng cũng như quyết tâm của Bác đối với nạn “nội xâm” này.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, cả nước dốc lòng cho cuộc kháng chiến trường kỳ, nên Ban Thanh tra đặc biệt chưa có điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Nhưng Sắc lệnh 233 đã được Bác Hồ và Chính phủ thực thi ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vào giai đoạn gay go ác liệt nhất. Mà điển hình là vụ án Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu. Theo chuyện kể về nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, người trực tiếp viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo sự sa đọa và tham nhũng của Trần Dụ Châu, được nhà thơ Phùng Quán ghi lại trong “3 phút sự thật”. “Đó là mùa đông năm 1950, Đoàn Phú Tứ cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đánh giặc trở về. Ông đã khóc nấc lên khi thấy các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, và hầu hết chiến sĩ đều rách rưới, "võ vàng đói khát", "chỉ còn mắt với răng". Mới chân ướt chân ráo trở về cơ quan thì ông nhận được thiệp mời của Trần Dụ Châu đến dự lễ cưới mà hắn đứng ra tổ chức cho cán bộ cấp dưới đặc biệt thân cận. Ông bước vào phòng cưới mà cứ ngỡ mình nằm mơ. Cái hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt… Vị chủ hôn Trần Dụ Châu đã mời nhà thơ đọc thơ và Đoàn Phú Tứ đã đọc câu thơ dũng cảm nhất đời mình: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ!”.”
Nhận được thư của đại biểu Quốc hội Đoàn Phú Tứ, Bác Hồ đã giao cho Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Tổng Thanh tra Quân đội, khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất, với lời căn dặn dứt khoát “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm". Thiếu tướng Chu Văn Tấn được giao nhiệm vụ làm Chánh án phiên tòa đặc biệt này đã căn cứ Sắc lệnh 233 tuyên án: Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: Tử hình, tịch thu ba phần tư tài sản… Bản án được trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã kiên quyết bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu. Đây cũng là chi tiết nguyên mẫu để sau này tác giả Lưu Quang Hà xây dựng nên vở kịch “Đêm Trắng” nổi tiếng nói về nỗi đau day dứt của Bác Hồ trước vụ án Trần Dụ Châu và nạn quan liêu tham nhũng đang có nguy cơ lây nhiễm rộng trong đội ngũ cán bộ công chức. Trong điều kiện kháng chiến đang còn cam go quyết liệt, đồng bào và chiến sĩ không tiếc máu xương hy sinh trên các mặt trận kháng chiến và kiến quốc, thì không thể dung thứ cho một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa tham nhũng phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng. Để loại trừ tệ nạn này, ngày 17-3-1952, trên Báo Nhân Dân, Bác đã viết bài “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, trong đó chỉ rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công…”.
Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công, nỗi lo “giặc nội xâm” hầu như vẫn canh cánh trong lòng Bác. Nguyên nhân sâu xa của tệ nạn này được Bác chỉ ra là từ bệnh quan liêu, chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, coi thường nhân dân, đứng trên pháp luật. “...Khi cán bộ chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn… thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí.” Người đã viết hàng trăm bài báo, thư từ để nhắc nhở và chấn chỉnh các cấp chính quyền về vấn nạn này. Thậm chí, trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác vẫn không ngừng mong mỏi: “Mỗi cán bộ đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”.
Ngày nay, cuộc chiến chống tham nhũng đang được Đảng và nhân dân ta kế tục; đặc biệt trong lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng thì những bài học về chống “nội xâm” của Bác vẫn nóng hổi tính thời sự, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta trong cuộc chiến cam go quyết liệt này.
Ngô Minh Thuyên
Ý kiến bạn đọc