Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc ở trong lòng”…

21:46, 04/06/2012

Năm 1958, trong bài Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa phải đấu tranh chống lại ba kẻ địch, đó là: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu, chủ nghĩa cá nhân.

Trong ba kẻ địch đó, Người chỉ rõ: kẻ địch thứ nhất là “rất nguy hiểm”; kẻ địch thứ hai tuy ngấm ngầm phá hoại nhưng là “kẻ địch to” và kẻ địch thứ ba là “bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”(1), nó ẩn nấp trong mỗi người chúng ta. Nhận diện kẻ địch thứ ba, chỉ ra những hậu quả xấu của nó cũng như chỉ ra những biện pháp phòng chống kẻ địch này là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và nhân dân Lai Sơn, Cộng Hòa,  huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) ngày 30-3-1958.                                         Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và nhân dân Lai Sơn, Cộng Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) ngày 30-3-1958. Ảnh: Tư liệu

Người cho rằng, tất cả chúng ta, hoặc nhiều hoặc ít, đều có vết tích xấu xa của xã hội cũ, trong đó xấu nhất và nguy hiểm nhất là chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng cá nhân chủ nghĩa và chủ nghĩa cá nhân là đối lập với chủ nghĩa xã hội và tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Cái gì không phải xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa. Nếu tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặt lợi ích chung, lợi ích tập thể lên trên hết, trước hết thì tư tưởng cá nhân chủ nghĩa chỉ bo bo lo cho lợi ích của riêng mình. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, trái với chủ nghĩa tập thể, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng”, là “bệnh gốc”, “bệnh mẹ” từ đó sinh ra hàng trăm thứ “bệnh con”, “bệnh cháu” nguy hiểm khác. Từ “vi trùng” đó mà sinh ra uể oải, mệt mỏi, sợ khó, sợ khổ, tùy hứng, coi khinh lao động chân tay, coi thường người lao động chân tay, coi thường nhân dân lao động. Từ đó sinh ra tưởng danh lợi, siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến đồng bào, chỉ muốn làm ông này bà nọ. Cũng từ “bệnh gốc” này mà đẻ ra bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, công thần, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, “hữu danh vô thực”, kéo bè kéo cánh, xu nịnh, a dua, bệnh bàn giấy, ích kỷ, hình thức… và bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, tham ô, lãng phí… Tóm lại, từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra trăm nghìn thói hư tật xấu khác. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng, xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”(2). Nếu để chủ nghĩa cá nhân sinh sôi nảy nở và hoành hành thì sẽ làm cho cá nhân thoái hóa, quyền lực bị tha hóa, làm Đảng xa dân, nhân dân mất quyền làm chủ, làm thay đổi bản chất của hệ thống chính trị và sẽ đe dọa đến sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bác đã cảnh báo rằng, “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3). Lênin cũng nhận định: “cái chết về đạo đức nhất định sẽ dẫn đến cái chết về chính trị”. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới gọi chủ nghĩa cá nhân là “vi trùng”, là “bệnh”, là “kẻ thù”, là “giặc nội xâm” nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa cá nhân “là trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, nó là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Do đó, “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(4).

Nhận rõ tính chất nguy hại khó lường của chủ nghĩa cá nhân, Người đã nêu ra nhiều biện pháp quan trọng để phòng chống nó. Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(5). Phải “gột sạch”, “quét sạch”. Tuy nhiên, đây là “giặc trong lòng” mỗi người, trong mỗi tổ chức, trong mỗi tập thể, đơn vị nên chiến thắng nó không phải là một việc dễ. Nhiều người khi nói “cải tạo xã hội thì đồng ý, nhưng cải tạo mình thì không đồng ý”. Do đó, vũ khí sắc bén, “vũ khí thần diệu” để chiến thắng là phải khéo dùng, khéo thực hiện phê bình và tự phê bình. Phải thực hành đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếu phê bình và tự phê bình “thực thà” và “khéo” thì “khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”. Trên cơ sở xử lý đúng đắn các quan hệ đối với mình, đối với người, đối với công việc, việc thực hành đạo đức cách mạng phải bền bỉ hằng ngày, “cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Phải lấy sức mạnh của đạo đức, văn hóa, lấy sức mạnh của ý chí và bản lĩnh cá nhân cũng như lấy sức mạnh của tổ chức, của tập thể để ngăn ngừa và tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân.

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là trách nhiệm của mỗi cá nhân, của mỗi người và của cả hệ thống chính trị. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi người mà xưa nay chiến thắng bản thân đâu phải chuyện dễ dàng. Vì vậy, cuộc đấu tranh này đòi hỏi phải kiên trì và bền bỉ, phải làm kiên quyết và thường xuyên, phải dũng cảm, bài bản và khéo léo. “Chủ nghĩa cá nhân không phải chống một lần mà hết được …ví như rửa mặt thì phải rửa hằng ngày”. Mỗi cá nhân phải tự lấy mình làm đối tượng và mỗi người phải tự soi mình vào người khác để tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, để có thể vững vàng trước mọi thử thách, cám dỗ, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải “sửa đổi lối làm việc”, phải nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất, đạo đức và tác phong của người cách mạng, nâng cao năng lực hoàn thành nhiệm vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng.

Có thể có nhiều biện pháp, phương thức khác nhau, nhưng quan trọng và lâu bền nhất, theo Hồ Chí Minh, đó là phải thực thà phê bình và tự phê bình, phải thực hành đạo đức cách mạng. Phải xây dựng văn hóa đạo đức, giáo dục văn hóa đạo đức trong Đảng, trong Nhà nước, trong hệ thống chính trị và lan tỏa ra toàn xã hội. Phải xây dựng đạo đức mới, lối sống mới, văn hóa đạo đức mới, vì nó là động lực có sức mạnh tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực khác.

Công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang đi vào chiều sâu nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhiều loại “giặc”, trong đó, chủ nghĩa cá nhân dưới nhiều hình thức là kẻ thù nội xâm nguy hiểm. Cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hạn chế, tiêu cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra là cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, lâu dài. Gốc rễ của nó là sự hoành hành của chủ nghĩa cá nhân dưới các hình thức của nó. Chống lại, đẩy lùi và tiêu diệt kẻ địch này là một cuộc chiến đấu khổng lồ vì nó rất xảo quyệt, quanh co. Cuộc chiến đấu này không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Không thể nôn nóng, làm bừa, làm ẩu. Không chỉ bằng nhiệt tình, quyết tâm mà phải bằng khoa học, nghệ thuật, bằng dũng cảm và mưu trí. Tin tưởng nhưng không được ảo tưởng. Kiên quyết nhưng phải kiên trì, bền bỉ, phải làm đi, làm lại nhiều lần. Chúng ta đã có Nghị quyết, có kế hoạch, có hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ… Nghị quyết Trung ương 4 đã “bắt đúng bệnh” và đã vạch rõ “pháp đồ điều trị”. Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch”(6). Có như thế mới từng bước trừ bỏ và “quét sạch”, “gột sạch” được chủ nghĩa cá nhân. Tiếp sau Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 gần đây đang thể hiện rõ tính thực chất và hiệu quả của việc học tập, làm theo tư tưởng, phương pháp, phong cách và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng ta trong điều kiện mới.

(1),(2)(4),(5) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG,

Hà Nội, tập 9, tr 287 – 288; 284; 291; 283.

(3) )  Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội, tập 12, tr 557.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, Tập 11, tr 366.

Nguyễn Anh Tuấn


Ý kiến bạn đọc