Multimedia Đọc Báo in

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện "Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay"

09:11, 12/06/2012

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

1
Rà soát, đề xuất loại bỏ cơ chế, chính sách không còn phù hợp cản trở việc thực thi công vụ. Ảnh minh họa: N.X

Mục tiêu của Chương trình nhằm xác định những nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trước hết trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

Rà soát, đề xuất loại bỏ cơ chế, chính sách không còn phù hợp cản trở việc thực thi công vụ

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với cấp ủy Đảng cùng cấp ban hành các nghị quyết, chỉ thị về những chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện tốt công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra trong triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về xây dựng Đảng hiện nay.

Bộ Nội vụ được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch, nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước. Rà soát, đề xuất loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức và các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Cụ thể hóa các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật liên quan nhằm loại trừ khả năng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người thân lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi dưới mọi hình thức.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện và kiểm soát kê khai tài sản

Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì việc xây dựng và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức, chống bình quân, cào bằng, đặc quyền, đặc lợi.

Thanh tra Chính phủ chủ trì sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về việc thực hiện và kiểm soát kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thông tin tuyên truyền lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực

Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì thực hiện nội dung xây dựng quy định về việc công khai chế độ, chính sách để nhân dân giám sát và hướng dẫn dư luận xã hội hiểu đúng về những chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ban hành quy định chấn chỉnh hoạt động báo chí tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet, các mạng xã hội và blog cá nhân. Đồng thời, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

N.X (nguồn Chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.