Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Cần có cơ chế giám sát quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

08:12, 11/06/2012

Khi thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế các đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng Đề án này là một công trình công phu, quán triệt được tinh thần, chủ trương, nghị quyết của đại hội Đảng và đã nêu ra được thực trạng và những vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra là nhiều điểm quan trọng chưa được nêu rõ trong Đề án.

Một số đại biểu cho rằng, chúng ta không nên quá kỳ vọng rằng Đề án này sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế vượt qua ngay khó khăn mà trước mắt cần nhắm tới mục tiêu khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế, phải lấy lại được thế ổn định cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó làm cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, mục tiêu thiên niên kỷ.

Có đại biểu nhấn mạnh, tái cơ cấu kinh tế tức là phân bổ nguồn lực của quốc gia, của xã hội vào những ngành, nghề, lĩnh vực, vùng lãnh thổ, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả tốt nhất với chi phí tối ưu. Do đó, trong đề án cần làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia sẽ được phân bổ như thế nào, những việc gì sẽ dùng nguồn lực của Nhà nước, những việc gì dùng nguồn lực của xã hội để làm. Về mô hình tăng trưởng, cần phải làm rõ được năng lực cạnh tranh cốt lõi là năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta tập trung dựa trên hai năng lực cạnh tranh cốt lõi này để định hình mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Theo đề nghị của một số đại biểu, Đề án phải làm rõ những khoản kinh phí cần huy động cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu là bao nhiêu. Trong đó, Chính phủ cần đề nghị làm rõ để QH xem xét ngân sách của Nhà nước cần bỏ ra cho quá trình tái cơ cấu này như thế nào. Các đại biểu QH cũng thẳng thắn chỉ ra rằng trong quá trình triển khai thực hiện đề án phải xác định rõ trách nhiệm vai trò của từng người đại diện chủ sở hữu, vai trò của quản lý…và có cơ chế minh bạch giám sát, vấn đề huy động nguồn vốn như thế nào trong quá trình thực hiện tái cơ cấu…

Một nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu QH quan tâm trong các phát biểu về việc tái cơ cấu là cần có sự đầu tư tương xứng cho khu vực nông thôn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cần đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào vị trí trung tâm vì có vị trí xứng đáng để được chú ý, coi trọng trong tái cấu trúc và nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được tạo cơ hội. Sẽ là chậm nếu không có sự thay đổi trong tái cơ cấu lần này. Bởi vì, thành tựu nông nghiệp hiện nay chưa tương xứng với lợi thế khi sức cạnh tranh thấp, đời sống người dân khu vực nông thôn bấp bênh. Cơ cấu lại là yếu tố khách quan để phát triển bền vững. Cần quan tâm thay đổi tư duy đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần đầu tư xây dựng quy hoạch, kết cấu hạ tầng, thủy lợi, đầu tư giống mới; chú trọng hơn chất lượng và hiệu quả, hài hòa lợi ích; xác định rõ mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Theo một số đại biểu, trong 6 mục tiêu tái cơ cấu của đề án chưa thấy đề cập đến con người và cần phải có sự bổ sung trong đề án bởi mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu, tăng trưởng là con người. Ban soạn thảo cần phải có đánh giá tổng thể các nguồn lực của đất nước trước khi tiến hành tái cơ cấu như: tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ,... Trong đó, một trong những tài nguyên quan trọng nhất là sử dụng con người. Do đó, quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu là chọn người đứng đầu có phẩm chất đạo đức, trí tuệ.

Bên cạnh các chính sách để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia thì điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để đào tạo nhân lực có chất lượng. Đó mới là tái cơ cấu có trọng tâm lâu dài. Do vậy, đề án cần nêu rõ tầm quan trọng trong đào tạo và khoa học trong việc phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trong tái cơ cấu.

                                                                            Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc