Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Nghiêm túc nhìn nhận để rút kinh nghiệm cho điều hành

08:51, 08/06/2012

Hôm qua (7-6), các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về Báo cáo bổ sung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - x ã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá đã nêu trong Báo cáo, cũng như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Nhiều ý kiến đại biểu QH nhấn mạnh, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, kết quả vẫn có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết của QH. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ đã bám sát thực tiễn, đặc biệt là hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 11. Nghị quyết đã có tác động mạnh đến nền kinh tế, làm cho giá cả hàng hóa tăng chậm lại, lạm phát được kiềm chế dưới 10%. Báo cáo cho thấy thu chi ngân sách đạt kết quả khá, các giải pháp về giảm thiểu tai nạn giao thông bước đầu phát huy hiệu quả, chính sách tiền tệ tín dụng được điều hành chặt chẽ và thận trọng hơn, an sinh xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu QH, kinh tế nước ta đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, phát triển thiếu ổn định, sự thăng trầm từ thăng hoa lạm phát, suy giảm kinh tế liên tục diễn ra. Nguyên nhân do nhiều chính sách ban hành trong điều hành kinh tế vĩ mô còn chậm, thiếu nhất quán, thay đổi liên tục, nặng về giải pháp giải quyết tình huống. Việc cải cách tái cơ cấu nền kinh tế chưa theo kịp yêu cầu với công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp nói riêng, tổng thể nền kinh tế nói chung. Hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước được xác định là yếu tố chủ đạo chi phối nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, chiến lược điều hành chính sách tiền tệ tín dụng chưa theo kịp diễn biến của thị trường.

Hiện nay, vẫn đang tồn tại một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước trông chờ sự hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân thiếu định hướng, hoạt động riêng rẽ, thiếu chiến lược kinh doanh. Tại thời điểm này số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản nguyên nhân xuất phát từ khó khăn bên trong là chủ yếu, đó là những tác động của chính sách điều tiết về giá cả và tiền tệ. Môi trường và cách thức điều hành kinh tế trong bối cảnh vừa kiềm chế lạm phát vừa chống suy giảm.

Một số đại biểu cho rằng, điều tích cực nhất ở thời điểm này là chúng ta đã thấy hết, thấy đủ, thấy rõ và hiểu sâu sắc những khiếm khuyết trong nền kinh tế của đất nước. Trong đó chúng ta đã nhận thức lại chính xác hơn về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như hiểu đúng mực hơn về khối doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các tập đoàn và Tổng công ty, những đơn vị kinh tế mà lâu nay chúng ta đã nhiều năm tích cóp đầu tư xây dựng, có những kỳ vọng lớn lao.

Có ý kiến đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, Chính phủ cần khẩn trương tổng kết, đánh giá việc miễn giảm thuế đối với một số doanh nghiệp, ngành và lĩnh vực; phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng để lấy lại lòng tin của nhân dân. Một số đại biểu khác thì cho rằng, nền kinh tế có những biểu hiện đáng mừng, nhưng dấu hiệu suy giảm kinh tế là rất rõ ràng, nhiều vấn đề xã hội nổi cộm. Chính phủ phải nghiêm túc nhìn nhận để rút kinh nghiệm cho điều hành. Trong đó, phải giải quyết được những vấn đề quan trọng như: đầu ra cho sản phẩm; vốn cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển; chặn được đà giảm sút, phá sản của doanh nghiệp vừa và nhỏ… Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện được kế hoạch năm, phải đưa các giải pháp của Chính phủ, gói hỗ trợ của doanh nghiệp, lãi suất của ngân hàng nhanh vào cuộc sống, chứ không chỉ nằm trên giấy. Phải sớm sắp xếp lại các ngân hàng hoạt động yếu kém; xử lý các cán bộ sai phạm để tạo lòng tin cho người dân. Sai phạm ở các tập đoàn chủ yếu ở các dạng: sai quy trình thủ tục theo các quy định của Nhà nước do đầu tư do chi phí, họat dộng sản xuất kinh doanh không đúng quy trrình, quy định; sai thẩm quyền, lẽ ra không được làm nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn làm; sai đối tượng cho phép;  sản xuất kinh doanh không hiệu quả; trình độ quản ký doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, dẫn đến nhiều vi phạm phạm về kinh tế, vi phạm pháp luật.

Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc