Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Phải quyết liệt hơn trong điều hành ngân sách

08:10, 12/06/2012

Sáng qua (11-6), các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 và bổ sung một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến năm 2015.

Theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, thực hiện dự toán NSNN thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng thất thu NSNN; nhiều đơn vị dự toán chưa mở sổ kế toán chi tiết theo quy định; hạch toán, kế toán chưa đầy đủ, thuyết minh quyết toán chưa rõ ràng, lập báo cáo quyết toán chưa đúng biểu mẫu. Việc gửi báo cáo quyết toán chậm thời gian theo quy định; số liệu thu chi ngân sách qua đối chiếu chỉ khớp đúng về tổng số, chưa khớp đúng về chi tiết vẫn diễn ra thường xuyên...

Có đại biểu phân tích: Theo tờ trình Chính phủ, QH phê chuẩn tổng thu, quyết toán thu NSNN 2010 là 777.000 tỷ đồng và chi 850.000 tỷ, bội chi NS 2010 là 109 tỷ đồng (làm tròn số). Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán NN đề nghị truy thu 3.200 tỷ, xuất toán giảm chi NSNN 2.200 tỷ đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra là QH nên xem xét phê chuẩn số liệu nào. Nếu phê chuẩn số tổng thu - tổng chi theo số đề nghị thì vô hình chung chúng ta đã chấp nhận cả số cần truy thu, những sai phạm trong quản lý chi. Nếu chúng ta lại phải chờ thực hiện kết luận kiểm toán thì sẽ không thực hiện được thời hạn theo qui định của Luật NSNN là QH phải phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng kể từ khi năm ngân sách kết thúc.

Về hiệu quả sử dụng NS, nhiều đại biểu nêu ý kiến: Năm 2010 chi ngân sách địa phương tăng gần 7.200 tỷ đồng so 2009. Vậy hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được đánh giá như thế nào? Bên cạnh đó, thu ngân sách còn cao so với dự toán song nợ đọng thuế cũng không ít. Đến cuối 12-2010, nợ thuế nội địa còn gần 27.000 tỷ đồng, tăng 12% so với 2009… Đồng thời, điều hành ngân sách chưa sát với thực tiễn và chưa tuân thủ nghị quyết của QH . Theo báo cáo của Chính phủ, nhiều khoản thu, chi sai lệch khá lớn so với Nghị quyết QH. Có những khoản thu vượt quá 2 lần hay chi vượt lớn như xây dựng cơ bản (45,6% so với dự toán), dẫn đến bị động trong điều hành NS.

Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến khoản đầu tư cho khoa học công nghệ. Có đại biểu thẳng thắn nhận xét, khoản chi cho khoa học công nghệ chỉ bằng 81% so chỉ tiêu QH giao, không phải vì khoa học công nghệ không cần tiền, mà do việc xây dựng, lập dự toán chất lượng không cao; quá trình thực hiện còn mang nặng tính bao cấp xin – cho, không căn cứ vào năng lực, nhu cầu thực tế. Mặt khác, nhiều quy định trong Luật NSNN được coi là “quá cứng”, không phù hợp tính sáng tạo, đặc thù của khoa học công nghệ. Nhiều vấn đề nảy sinh lẽ ra cần được nghiên cứu ngay, nhưng đúng quy trình thì phải hàng năm sau mới được duyệt, mới có kinh phí, mất đi tính thời sự, nhiều trường hợp bỏ lỡ cơ hội. Vì thế, đồng thời với việc quy định rõ cơ cấu, tỷ lệ phân bổ nguồn lực cho khoa học công nghệ, cần cơ cấu lại hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu để tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn lực, cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng chất xám và ý nghĩa thực tiễn cao.

Cần làm rõ tiêu chí “dự án cấp thiết”, đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi thảo luận về Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến năm 2015. Mặc dù nhiều ý kiến đồng ý bổ sung vốn cho các dự án được Chính phủ đề nghị, song hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trên cả nước còn có rất nhiều dự án khác cần vốn và cũng cấp thiết không kém. Nhiều đại biểu có cùng yêu cầu hạch toán trái phiếu Chính phủ vào ngân sách nhà nước và thực hiện theo Luật NSNN để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, hạn chế tối đa tiêu cực xin – cho.

Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc