Học giả quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc
Việc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông với cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”, “đường chữ U”, Trung Quốc không chỉ vấp phải sự bác bỏ của chính các học giả trong nước mà còn đối mặt với sự lên án, phản đối của quốc tế.
Bà Caitlyn Antrim - Giám đốc Ủy ban Pháp quyền đại dương của Mỹ khẳng định, tuyên bố “đường 9 đoạn” (đường chữ U) không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ. Bà phân tích: Không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường chữ U đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Đối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó.
Ông Termsak Chalermpalanupap - Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban Thư ký ASEAN thì cho rằng, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền. Nhưng theo lý giải của nhà nghiên cứu nổi tiếng - Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia thì việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.
Ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc Ban Thư ký ASEAN thì khẳng định quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông qua hợp tác và theo luật quốc tế rằng: ASEAN đã nỗ lực nhằm đưa tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông thành một bản quy tắc có tính ràng buộc, nhưng cả 20 lần đề nghị đều bị Trung Quốc từ chối. Hiện ASEAN đang đưa ra đề nghị thứ 21 liên quan đến vấn đề này. Ông Chalermpalanupap gọi những hành động của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua là hiếu chiến.
Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng, một trong những yếu tố chính làm cho căng thẳng trên Biển Đông trầm trọng hơn là “hành vi hung hăng của Trung Quốc và việc đòi chủ quyền lãnh thổ vô căn cứ mà họ tìm cách theo đuổi”.
Đ.T (Tổng hợp từ báo chí trong nước)
Ý kiến bạn đọc