Multimedia Đọc Báo in

Học giả Trung Quốc bác bỏ “đường lưỡi bò”: “Chẳng có căn cứ nào đưa ra Đường 9 đoạn”

08:42, 13/08/2012

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông với cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”. Thế nhưng chính các học giả của Trung Quốc đã nói thẳng ra rằng “Chẳng có căn cứ nào đưa ra Đường 9 đoạn”.

Cần phải sớm xác định rõ địa vị pháp luật của Đường 9 đoạn (Thịnh Hồng - Viện trưởng Viện NCKT Thiên Tắc, Giáo sư ĐH Sơn Đông):

Chẳng có căn cứ nào đưa ra Đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Đó chỉ là tuyên bố đơn phương năm 1947 của Trung Quốc mà thôi. Liên hiệp quốc đã có công ước của về Luật Biển, đã là công ước thì bất cứ quốc gia nào cũng phải bị chế tài. Tất cả đều phải xử lý theo công ước.

Thời đại đang tiến lên, khi hoạch định ranh giới cũng cần phải làm theo tinh thần công ước và quy tắc quốc tế, chứ không thể nói là căn cứ theo những cái gọi là nhân tố lịch sử, nước giàu hay nghèo, người đông hay ít, địa chất địa mạo đáy biển. Những thứ đó đều không phải là căn cứ để phân định biên giới.

Cách nói “Quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận” của Trung Quốc thật quá mơ hồ. Phụ cận bao nhiêu hải lý đều không thể nói rõ được. Đó không phải là thứ ngôn ngữ pháp luật. Trung Quốc  cần phải tôn trọng các điều văn của công ước về Luật Biển.

Nhiều sách giáo khoa lại coi Đường 9 đoạn là biên giới biển chính thức của Trung Quốc, nên dẫn đến việc dân chúng coi Nam Hải thành vùng biển của Trung Quốc. Lại có một số cơ quan truyền thông không làm rõ ngọn ngành về vấn đề này, động một tý là kêu phải đưa tàu chiến đi đánh. Cần phải sớm xác định rõ địa vị pháp luật của Đường 9 đoạn.

Cần xử lý mọi việc theo tinh thần “Công ước” (Trương Thử Quang, Chủ tịch Hội đồng Học thuật - Viện NCKT Thiên Tắc, Giáo sư Viện KHXH Trung Quốc):

Đường 9 đoạn không hề có căn cứ về pháp luật, nó chỉ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà thôi.

Tôi cho rằng vấn đề chủ yếu nhất trong nội hàm của “Công ước biển Liên hiệp quốc” là phân định và bố cục lại vùng biển, để mỗi quốc gia ven biển đều có thể có 200 hải lý (hoặc vùng biển tương đối rộng rãi), thềm lục địa và vùng biển kinh tế, thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để toàn nhân loại đều hướng tới con đường cùng nhau giàu có.

Đó cần phải là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước xung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải. Trung Quốc là quốc gia đã ký “Công ước Biển Liên hiệp quốc”, thì cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần “Công ước”, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình.

Đ.T (Tổng hợp qua báo chí trong nước)

 

 


Ý kiến bạn đọc