Những chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Dak Lak
Ngày 24-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc ở Dak Lak đã thành công rực rỡ. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Dak Lak đã viết nên những trang đầu tiên cho một chương mới của lịch sử dân tộc mang tên độc lập, tiến tới tự do, ấm no, hạnh phúc. Để có được thắng lợi đó là sự đánh đổi biết bao tâm huyết, máu xương của lớp lớp các thế hệ con dân trên mảnh đất nắng gió này, là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong.
Đồn điền CADA - nơi thành lập Chính quyền cơ sở đầu tiên trong Cách mạng tháng Tám tại Dak Lak. |
Ngay từ rất sớm, Dak Lak đã trở thành mục tiêu nhòm ngó của bè lũ xâm lược. Từ giữa thế kỷ XVIII, đã có một bộ phận gián điệp đội lốt giáo sĩ lên đây thăm dò, khám phá đất đai, dân tình, lịch sử và văn hóa bản địa. Về sau, dã tâm xâm lược của giặc Pháp càng công khai, lộ rõ bản chất thực dân. Đến cuối thế kỷ XIX, với sự trợ giúp đắc lực của triều đình phong kiến, thực dân Pháp mới hoàn thành quá trình thôn tính Tây Nguyên, trong đó có Dak Lak. Bằng những chính sách và thủ đoạn thâm độc, vừa tàn bạo, vừa mị dân, giặc Pháp tưởng rằng sẽ nhanh chóng khuất phục được đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong số những chính sách cai trị thâm độc ấy đặc biệt phải kể tới chính sách chia rẽ dân tộc nằm trong âm mưu “chia để trị” của chúng. Thực dân Pháp muốn lợi dụng đặc điểm dân cư nhiều thành phần dân tộc để tạo nên bức tường thành ngăn cách đồng bào giao tiếp, trao đổi với bên ngoài. Dưới chiêu bài bịp bợm “đất Thượng của người Thượng”, chúng ngăn cấm sự giao lưu giữa đồng bào Dak Lak với miền xuôi…Bên cạnh đó, thực dân Pháp không chú ý phát triển kinh tế, mở mang giao thông mà bóc lột nhân dân ta tới tận xương tủy, vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên của ta, nên ở Dak Lak nói riêng và trên cả nước nói chung, đời sống nhân dân lâm vào cảnh lầm than cơ cực. Thế nhưng, các dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự hào dân tộc. Những chính sách cai trị, bóc lột hà khắc của quân xâm lược đã đụng chạm đến tình cảm và những nhu cầu đời sống xã hội của nhân dân, xúc phạm tới truyền thống đoàn kết vốn có từ bao đời nay. Nhận rõ dã tâm của bè lũ thực dân, phát huy truyền thống yêu nước, nhân dân Dak Lak đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh và không ít lần gây khó khăn cho thực dân Pháp. Mở đầu là những cuộc khởi nghĩa của đồng bào Êđê Bih ở vùng hạ lưu sông Krông Ana và Krông Nô, dưới sự lãnh đạo của N’Trang Gưh ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX. Trên tuyến đường nối Buôn Ma Thuột với Nha Trang, từ những năm 1889 đến 1905 nổ ra cuộc khởi nghĩa của đồng bào Êđê dưới sự lãnh đạo của Ama Jhao. Rồi đến những cái tên như Oi Mai, Oi H’Phai, Y Út, Y Jut… đã từng để lại tiếng vang, làm khiếp vía kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống lại ách thống trị của giặc Pháp ở Dak Lak trong những năm đầu thế kỷ XX là cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng. Nổ ra từ năm 1912, kéo dài tới năm 1935, cuộc khởi nghĩa tiêu biểu cho tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân trong tỉnh. Mặc dù các cuộc khởi nghĩa đều bị giặc Pháp đàn áp nhưng đó là những đòn cảnh cáo quyết liệt cho dã tâm xâm lược của bè lũ cướp nước và là những minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng. Những phong trào yêu nước này chính là sự chuẩn bị cần thiết, quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này.
Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở Dak Lak. |
Sau khi thiết lập được ách thống trị, thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình khai thác, bóc lột tại Dak Lak. Quá trình bần cùng hóa những người nông dân diễn ra nhanh hơn nhiều so với quá trình chúng bình định vùng đất này. Xây dựng đồn điền, sử dụng nguồn nhân công đông đảo, rẻ mạt tại chỗ được xem như là một phương thức bóc lột hữu hiệu của giặc Pháp. Vì thế, chúng đi tới đâu là đồn điền mọc lên tới đó. Những đồn điền đầu tiên ở Dak Lak là đồn điền CADA (Compagine Agricole D’Asia), đồn điền C.H.P.I (Compagniedes Hauts Plateaux Indochinois) chạy dài ven các tuyến quốc lộ 26 và 14. Đồn điền mọc lên kéo theo việc thuê mướn, bắt bớ nhân công lao động. Thời kỳ đầu thực dân Pháp còn lấy nhân công ở các tỉnh miền xuôi lên nhưng về sau do nhận ra nguồn lợi từ nguồn nhân công là đồng bào các dân tộc bản địa nên công nhân là người địa phương làm việc trong đồn điền dần dần chiếm đa số (từ 70%-80%). Tất cả công nhân dù là người Kinh hay người Thượng đều là nạn nhân của chế độ bóc lột nặng nề của thực dân Pháp. Họ phải lao động khổ sai, bị vắt kiệt sức lao động, ngày làm từ 11 đến 14 tiếng, tiền công rẻ mạt, ăn uống kham khổ, không có những biện pháp bảo hộ lao động tối thiểu…, người công nhân ngày càng kiệt quệ và căm thù bọn thống trị. Đến những năm 1941, 1942, Dak Lak có khoảng 7.000 công nhân làm việc thường trực. Tuy được gọi là giai cấp vô sản nhưng công nhân lại là lực lượng sản xuất tiên tiến nhất trong xã hội đương thời. Họ có điều kiện rèn luyện, có tinh thần đoàn kết cao và được tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng hậu. Và vốn xuất thân là con em nông dân nên trong một xã hội khi mà tuyệt đại bộ phân dân cư đều là nông dân thì công nhân có khả năng thống nhất, đoàn kết các giai tầng khác trong xã hội. Giai cấp công nhân Dak Lak nói riêng và trên cả nước nói chung đã sẵn sàng vùng lên đấu tranh lật đổ mọi áp bức bất công. Đây chính là sự chuẩn bị quan trọng nữa cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng đi đến ngày thắng lợi.
Có lòng yêu nước, tình đoàn kết dân tộc, có lực lượng sẵn sàng làm cách mạng nhưng không có đường lối cách mạng đúng đắn thì cách mạng không thể giành thắng lợi. Vì lẽ đó nên khi mà các phong trào đấu tranh của nhân dân ta đang diễn ra sôi nổi ở khắp nơi nhưng đều gặp thất bại thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở Dak Lak nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Do những đặc thù về điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương nên đến trước năm 1940 ở Dak Lak vẫn chưa có tổ chức Đảng. Đến cuối năm 1940, tình hình trong nước và thế giới có những biến động lớn, từ thực tế của phong trào cách mạng ở Dak Lak đòi hỏi nên một số chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư, Ban Chấp hành có các đồng chí Ngô Tuân, Nguyễn Chí Thanh, Trần Tống, Nguyễn Hữu Khiếu. Chi bộ đảng ra đời không những thống nhất được sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà đày mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng ở Dak Lak phát triển lên một bước mới. Từ năm 1942, các chiến sĩ cách mạng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được học tập Nghị quyết của Trung ương Đảng, chương trình, điều lệ của Mặt trận Việt Minh và những kinh nghiệm vận động quần chúng… Mỗi khi có đồng chí hết hạn tù hoặc vượt ngục ra ngoài hoạt động đều mang theo những tài liệu và kinh nghiệm đó về cơ sở tổ chức cho quần chúng học tập. Bên cạnh đó, Chi bộ Nhà đày cũng không ngừng xây dựng những cơ sở cách mạng trong và ngoài Nhà đày, hợp pháp và bán hợp pháp. Những hoạt động này có tác dụng trực tiếp làm phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Dak Lak, trong đó hoạt động mạnh nhất là ở khu vực đồn điền CADA. Nhà đày Buôn Ma Thuột với cuộc chiến đấu không mệt mỏi của các đảng viên cộng sản thực tế đã trở thành đầu mối trung tâm, là yếu tố quyết định cho cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đến thành công của cách mạng Tháng Tám ở Dak Lak.
Minh Khoa
Ý kiến bạn đọc