Multimedia Đọc Báo in

Nhân Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012

Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào chống thực dân Pháp

14:08, 26/10/2012

Sau khi giành lại được chính quyền, Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Lào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ 3 từ trái sang) và Hoàng thân Xuphanuvông (người thứ tư từ trái sang) cùng các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào năm 1953.                     Ảnh: T.L
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ 3 từ trái sang) và Hoàng thân Xuphanuvông (người thứ tư từ trái sang) cùng các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Ảnh: T.L

Thời gian này, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào hơn lúc nào hết, chỉ mong muốn được sống trong hòa bình, tiếp tục hợp tác, cùng nhau bảo vệ nền độc lập và xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên, bất chấp nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, thực dân Pháp ngang nhiên gây chiến tranh hòng áp đặt lại ách thống trị của chúng ở Đông Dương.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn bờ cõi Đông Dương. Trước nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia, ngày 25-11-1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương. Chỉ thị chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt – Miên - Lào chống Pháp xâm lược”.

Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Đảng đã xác định những nét cơ bản về đường lối, chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp dựa trên cơ sở liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia. Theo tinh thần đó, quân và dân các địa phương vùng giáp ranh biên giới Việt Nam – Lào phối hợp đánh quân Pháp ở nhiều nơi. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố của Lào động viên, kêu gọi thanh niên tích cực gia nhập lực lượng Liên quân Lào- Việt.

Thành công đầu tiên của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của Liên quân Lào - Việt trong năm đầu của cuộc kháng chiến là trận chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc ngày 21-3-1946. Đây là trận đánh lớn nhất của Liên quân Lào – Việt kể từ ngày thành lập, đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, một biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam – Lào.

Đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào, đầu năm 1947, nhiều tỉnh thuộc Chiến khu 4 (Việt Nam) cũng tổ chức Ban Biên chính để liên hệ, phối hợp và giúp đỡ các địa phương Lào kề cận đẩy mạnh đấu tranh. Đồng thời, lực lượng vũ trang các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào tăng cường hoạt động gây cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc ít người ở biên giới, tạo chỗ đứng chân để tuyên truyền, vận động nhân dân các bộ tộc Lào ủng hộ và tham gia kháng chiến.

Bằng mọi sự nỗ lực, các lực lượng vũ trang Việt – Lào đã từng bước tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, xây dựng thêm nhiều cơ sở kháng chiến và mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp các tỉnh của Đông Lào.

Có thể nói, trong những năm 1945-1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đã từng bước được hình thành, phát triển và thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào gắn bó mật thiết hơn.

Vào đầu năm 1949, Hội nghị cán bộ lần thứ sáu Trung ương Đảng, quyết định “mở rộng mặt trận Lào - Miên”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu mở rộng Mặt trận Kháng chiến Lào và Campuchia, củng cố các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở hai nước này, tăng cường thêm cán bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ ở Lào... Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về Mặt trận Lào – Miên, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ hỗ trợ hai nước Lào, Campuchia giải phóng khỏi ách thực dân Pháp theo phương châm: vận động nhân dân và để cán bộ Lào, Campuchia tự đảm trách công việc; cán bộ Việt Nam chỉ làm cố vấn; thành lập quân giải phóng Lào. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã cử nhiều cán bộ phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở lớp huấn luyện quân sự và học tập chính trị.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội Quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến) họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1950, tại Tuyên Quang (Việt Nam) quyết định thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, lập Mặt trận dân tộc thống nhất Lào, tức Neo Lào Ítxala, do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ. Đại hội đã đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết quốc tế, trước hết là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

Như vậy, những năm 1945-1950, sự phối hợp, giúp đỡ, liên minh đoàn kết chiến đấu giữa Việt – Lào, Lào - Việt đã góp phần đưa lại những thắng lợi căn bản cho sự nghiệp cách mạng của hai nước, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mối quan hệ liên minh, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày 11 đến 19-2-1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai ở Việt Nam, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ phối hợp và giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào, Campuchia xây dựng chính đảng mácxít để lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai nước giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Ngày 11-3-1951 Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương khai mạc tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương.

Việc thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ sở nâng cao quan hệ đoàn kết và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, là đòn giáng mạnh mẽ vào chính sách “chia để trị” của bọn thực dân, đế quốc.

Đầu năm 1953, sau thất bại ở mặt trận Tây Bắc (Việt Nam), thực dân Pháp tăng cường lực lượng ở Sầm Nưa để bảo vệ khu vực Thượng Lào. Tháng 4 năm 1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam phối hợp với quân đội Lào Ítxala giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ.

Tháng 12-1953, một bộ phận quân chủ lực Việt Nam phối hợp với bộ đội Lào Ítxala và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ Lào. Chiến thắng của Liên quân Việt – Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Lào. Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào.

Ngày 13-3-1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ.

Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, ngày 7-5-1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung.

Ngày 8-5-1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Ngày 21-7-1954, đối phương phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Hội nghị công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.

Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, của hai nước Việt Nam, Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi đó thể hiện nghị lực, quyết tâm của Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, kết tinh sức mạnh đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước, tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào ngày càng nâng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).

                 Nguồn QĐND

       (Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc