Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Thực hiện Quy chế dân chủ góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

14:56, 11/01/2013

Xác định việc thực hiện Quy chế dân chủ là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong năm 2012, Đảng bộ, chính quyền huyện Cư M’gar đã tập trung triển khai Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Người dân thôn 3 xã Ea Kpam chung tay làm đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn 3 xã Ea Kpam chung tay làm đường giao thông nông thôn.

Ngay từ đầu năm 2012, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của huyện chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban thanh tra nhân dân; ban hành quy chế  làm việc, quy chế công khai tài chính và những vấn đề có liên quan mà Pháp lệnh và các Nghị định quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp ủy Đảng đã triển khai việc học tập, quán triệt các quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ được gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy chế tiếp công dân, trình tự thủ tục giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được nghiêm túc thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. HĐND, UBMTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò, chức năng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến, đại diện, hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền bằng nhiều hình thức như: lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với các cơ quan có thẩm quyền; tham gia góp ý kiến nhận xét cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, vừa qua Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở Đảng và các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt Quy chế dân chủ thông qua việc kiểm điểm theo Nghị quyết TW 4 (khóa XI), tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong quần chúng nhân dân góp ý cho các tổ chức và cá nhân, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.

Với sự chỉ đạo sát sao, các xã, thị trấn đã triển khai hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được công khai, niêm yết tại trụ sở xã, phường, thị trấn nơi làm việc, phòng thực hiện các thủ tục hành chính cơ chế một cửa và thông báo đến người dân thông qua các cụm loa truyền thanh của xã, phường và các trưởng thôn, buôn, tổ dân phố, các cuộc tiếp xúc cử tri, cuộc họp thôn, buôn... Các cấp ủy chính quyền cơ sở định hướng, tổ chức cho nhân dân trực tiếp bàn bạc, thống nhất và tự quyết định như mức đóng góp tiền, ngày công, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng và nhất là trong công tác vận động “Toàn dân hăng hái xây dựng nông thôn mới”. Nhờ đó, đã vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” được gần 2,4 tỷ đồng, bàn giao 76 căn nhà đại đoàn kết (trị giá 1,7 tỷ đồng); huy động được hơn 8,9 tỷ đồng và 3.624 ngày công để nâng cấp, sửa chữa đường thôn, buôn, đường nội đồng, nạo vét kênh mương, xây dựng và sửa chữa hội trường thôn, buôn; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 476 triệu đồng... Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thực hiện việc công khai các dự án quy hoạch đất, khu, cụm công nghiệp, dân cư; chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, các quy định về thủ tục hành chính, việc bình xét hộ nghèo và công tác xóa đói giảm nghèo... Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có sự chuyển biến, đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp dân và giải quyết thủ tục hồ sơ cho nhân dân được củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn; lối làm việc được đổi mới, nhiều thủ tục được giải quyết kịp thời, giảm phiền hà cho nhân dân.

 Trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, vai trò của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, cán bộ, công chức được đề cao, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị vững mạnh. Việc công khai, minh bạch các khoản thu, chi tài chính, sử dụng tài sản công, nhận xét, đánh giá, khen thưởng cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Nhiều cơ quan đã xây dựng được nội quy, quy chế làm việc, do đó mối quan hệ giữa cấp ủy, thủ trưởng cơ quan và công đoàn khá chặt chẽ, không bị chồng chéo. Việc cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả khá, giảm phiền hà, tăng niềm tin của các tổ chức, công dân đối với cơ quan Nhà nước. Đối với lực lượng vũ trang (công an, quân sự) thực hiện quy chế dân chủ còn được cụ thể hóa bởi các quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị đóng quân trên địa bàn làm công tác dân vận, tạo mối quan hệ tốt giữa chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, xây dựng đơn vị an toàn, vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, các nội dung liên quan đến sản xuất kinh doanh, chế độ chính sách đối với người lao động đều được công khai, nhờ vậy phát huy sáng tạo của tập thể và cá nhân, nội bộ đoàn kết, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Các quyền lợi của người lao động như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương… được thực hiện bảo đảm; mối quan hệ giữa ban giám đốc, công nhân ngày càng gắn bó; nêu cao ý thức kỷ luật, thực hành tiết kiệm, làm tăng năng suất lao động, xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Có thể nói, việc thực hiện quy chế dân chủ ở huyện Cư M’gar đã tạo lòng tin, từ đó nhân dân đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực trong việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Hoàng Xuân Việt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.