Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Xây dựng hiến pháp dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Lời nói đầu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có đoạn: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Theo chúng tôi, Lời nói đầu đã thể hiện khái quát mục đích, nguyên tắc, nội dung, tinh thần sửa đổi Hiến pháp lần này là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bản Hiến pháp dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên tinh thần đó, chúng tôi cơ bản nhất trí với cấu trúc, nội dung, hình thức Lời nói đầu, 11 chương và 124 điều của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra. Trong đó, nhất trí cao với những sửa đổi, bổ sung trên các nội dung sau:
- Khẳng định và thể hiện khá rõ quyền lực Nhà nước là thống nhất có phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
- Về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “… Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4).
- Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện ở nhiều Điều thuộc chương II của Dự thảo.
- Về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước ở Chương X…
Tuy nhiên, đi vào cụ thể, chúng tôi xin đề xuất một số chỉnh sửa sau đây:
Thứ nhất, trong Hiến pháp sửa đổi lần này cần ghi rõ để thực hiện một cách có hiệu quả các hình thức dân chủ (dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện) về mặt chính trị: đó là việc thực hiện quyền phúc quyết của nhân dân, bầu cử có cạnh tranh, bãi miễn dễ dàng, từ chức thuận lợi, quyền lực phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ… Đây là việc trở lại, kế thừa một trong nhiều điểm tiến bộ của Hiến pháp 1946. Nhân dân phúc quyết việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và phúc quyết những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Bầu cử nhất thiết phải có số dư. Tất cả đại biểu do nhân dân bầu đều có thể bị bãi miễn khi không còn xứng đáng. Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm khi cần thiết. Những nội dung này cần thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán trong Hiến pháp. Ví dụ:
Khoản 2, Điều 9 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”.
Khoản 3, Điều 9 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.
Khoản 2, Điều 7 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Hình thức, quy trình, thủ tục bãi nhiệm do luật định”.
Điều 101 nên bổ sung thêm 1 khoản: “Chính phủ, các thành viên Chính phủ không được Quốc hội tín nhiệm thì phải từ chức theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2, Điều 116, nên bổ sung như sau: “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và các thành viên Ủy ban Nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban Nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng Nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và các thành viên Ủy ban Nhân dân không được Hội đồng Nhân dân tín nhiệm thì phải từ chức theo quy định của pháp luật”.
Khoản 4, Điều 124 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Dự thảo Hiến pháp sau khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Hình thức, trình tự, thủ tục phúc quyết do luật định”…
Thứ hai, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể quyền lực. Nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Nhân dân là chủ thể, động lực, mục đích của phát triển. Tất cả những gì là quyền của nhân dân thì phải là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước không chỉ tạo điều kiện mà Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Tinh thần ấy phải được thể hiện rõ trong các điều khoản của Hiến pháp. Ví dụ:
- Điều 3, nên sửa thành: “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Mọi hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân đều bị nghiêm trị theo pháp luật ”.
- Khoản 2, Điều 8 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức chịu sự giám sát và kiểm soát của nhân dân”.
- Khoản 2 Điều 29, nên sửa thành: “Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
- Điều 57 nên sửa đổi, bổ sung thành 3 khoản: “(1) Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. (2) Nhà nước thống nhất quản lý và sử dụng tài sản công thuộc sở hữu toàn dân bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả. (3) Bảo vệ tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Mọi hành vi làm tổn hại tài sản công thuộc sở hữu toàn dân đều bị nghiêm trị theo pháp luật”…
Thứ ba, Hiến pháp khẳng định dân chủ, phát huy dân chủ và bảo vệ dân chủ. Hiến pháp phải bảo vệ được dân chủ, an toàn, quyền sống, tự do và tiến bộ của nhân dân. Hiến pháp là gốc, nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quyền lực và lợi ích của nhân dân là nền tảng, là tối thượng. Nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Dân chủ là tài sản quý báu nhất trên đời của nhân dân. Để bảo đảm điều này, một mặt, phải có cơ chế, chính sách, điều kiện, phương tiện để thực hiện, mở rộng, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích của con người và mặt khác, phải có cơ chế, chính sách, lực lượng, phương tiện bảo vệ dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, trừng trị những hành vi vi phạm dân chủ, vi phạm nhân quyền… Mọi người, công dân và Nhà nước phải bảo vệ Hiến pháp, trấn áp, trừng trị những cá nhân, tổ chức xâm phạm dân chủ, môi trường dân chủ, thể chế dân chủ của nhân dân. Cụ thể, cần khẳng định mạnh mẽ trong Hiến pháp những nội dung sau:
- Khoản 2, Điều 16 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đều bị xử lý theo pháp luật”.
- Điều 21 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Mọi người có quyền sống theo pháp luật”.
- Khoản 2, Điều 36 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân có nơi ở”.
- Khoản 1, Điều 38 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân có việc làm theo quy định của pháp luật”.
- Khoản 1, Điều 41 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để toàn dân được chăm sóc sức khỏe”.
- Điều 42 nên sửa đổi, bổ sung như sau: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập”.
- Điều 72 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Công an Nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm sự ổn định chính trị, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.
- Khoản 2, Điều 107 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Tòa án Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
- Khoản 3, Điều 112 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”…
Theo chúng tôi, góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn có ý nghĩa chính trị thực tiễn sâu sắc. Nó được tiến hành theo tinh thần dân chủ, đổi mới, khoa học vào một thời điểm có tính bước ngoặt của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ hoạt động này, bằng hoạt động này, trình độ dân chủ của nhân dân, ý thức chính trị của nhân dân, của cán bộ, công chức sẽ nâng lên và trưởng thành vượt bậc. Nhân dân xây dựng Hiến pháp, theo cách đó, và chỉ theo cách đó mới tích cực, chủ động, tự giác sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và cũng chỉ như thế nhân dân sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ Hiến pháp.
Nguyễn Anh Tuấn
(Giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Tây Nguyên)
Ý kiến bạn đọc