Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:

Để các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân có tính khả thi cao

10:43, 01/03/2013

Tại Điều 1 của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (UDHR) đã được Liên Hiệp quốc thông qua năm 1948 quy định: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ cần đối xử với nhau trong tình bác ái”. Như vậy, Tuyên ngôn về quyền con người đã đề cập đến các trụ cột chính của quyền con người là tự do, bình đẳng và đoàn kết.

Ở nước ta, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”.

So với các Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980 thì Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện một bước phát triển mới trong việc pháp điển hóa các quyền con người với việc khẳng định khái niệm và sự tôn trọng các quyền con người (Điều 50 Hiến pháp 1992). Tuy nhiên, các bản Hiến pháp trước đây đều chưa làm rõ địa vị pháp lý về quyền con người. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đưa quyền con người lên vị trí chương II (cùng với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) với 38 Điều (từ Điều 15 đến Điều 52). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chương II có 5 Điều mới về quyền con người (các Điều 16, 21, 44, 45, 46); 3 điều giữ nguyên về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (theo chương V Hiến pháp năm 1992 gồm các Điều 24, 51, 52) và 30 Điều sửa đổi, bổ sung. Việc thay đổi để quy định này trở về Chương II được đánh giá là hợp lý vì đã thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với quyền con người và quyền công dân; đồng thời thể hiện rõ quan điểm là mọi hoạt động của Nhà nước đều phải lấy quyền con người, quyền công dân làm trung tâm. Về tên gọi của Chương (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) cũng được đánh giá là đã bao quát được toàn bộ nội dung của chương, đồng thời cũng phân biệt rõ ràng giữa quyền con người và quyền công dân. Ngoài ra, trong Dự thảo đã bổ sung thêm một số quyền mới so với Hiến pháp năm 1992 là: Quyền được sống và nghiêm cấm cưỡng bức lao động, quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của công dân và quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người.

Tuy nhiên, để các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có tính khả thi cao, nội dung tại chương II (Dự thảo), cần nghiên cứu kỹ thêm một số vấn đề sau:

- Tại khoản 2 Điều 15 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Quy định như Dự thảo là quá rộng, bởi vì quyền con người là quyền tối cao, nên chăng nếu có bị giới hạn thì chỉ thực sự trong điều kiện đặc biệt (như xâm phạm an ninh quốc gia), chứ trong các điều kiện khác (trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng) thì không cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung việc hạn chế các quyền này thực hiện theo Hiến pháp, luật hay pháp luật?

- Bổ sung những chế định bảo đảm quyền sống của công dân từ khi sinh ra đến khi chết theo hướng kế thừa các quy định này từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 bao gồm các chế định về chăm sóc, giáo dục trẻ em, chế định đối với người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa… và điều phải xây dựng những luật cụ thể quy định quyền sống, quyền công dân đã được Hiến định.

- Về kỹ thuật lập hiến: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn có sự đan xen, chồng chéo giữa các điều quy định về quyền con người với các điều quy định quyền và nghĩa vụ của công dân. Do vậy, đề nghị cần nghiên cứu sắp xếp theo thứ tự về quyền con người rồi mới đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cho phù hợp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc