Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:

Quyền phúc quyết của nhân dân đối với hiến pháp

10:44, 01/03/2013
Báo Dak Lak Cuối tuần số ra ngày 24-2-2013 có đăng bài góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 của Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Tây Nguyên. Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Anh Tuấn có nêu lên vấn đề quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp. Hoàn toàn tán thành với ý kiến này, ở đây chúng tôi muốn đề cập một cách rõ nét hơn về quyền phúc quyết và sự cần thiết ghi nhận quyền này trong Hiến pháp.

Trở lại với lịch sử lập hiến của nước ta, ngay từ năm 1946, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại điều thứ 21 đã ghi nhận: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp”; khi sửa đổi Hiến pháp cũng phải tuân theo cách thức chặt chẽ, theo đó  “ Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” (Điều thứ 70).

Như vậy, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định một nội dung cốt lõi của chủ quyền nhân dân, đó là: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân mới là chủ thể tối cao có quyền lập hiến và sửa đổi Hiến pháp. Sau này, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước đều ghi nhận và khẳng định nguyên tắc  “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Hiện nay, Đảng đang chủ trương và lãnh đạo xây dựng nhà nước ta là một nhà nước dân chủ, “nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Như vậy người chủ đích thực của đất nước chính là nhân dân. Để quyền làm chủ trực tiếp của người dân được thực hiện trong thực tế thì người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp.

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 22-2, GS - TS Trần Ngọc Đường cũng khẳng định: “Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước là một tất yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta” (Dẫn theo tienphong.vn ngày 22-2-2013).

Là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, do đó nhân dân phải thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp - Đạo luật cơ bản của Nhà nước - qua đó thể hiện Nhân dân trao quyền lực của mình cho Nhà nước ở một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất. Sau khi được trao quyền, Nhà nước sẽ thực hiện các quyền năng đó dưới sự giám sát tối cao và chặt chẽ của nhân dân.

Quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân mặc dù đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 nhưng do điều kiện chiến tranh bùng nổ ngay sau đó nên chưa được thực hiện trong thực tế. Hiện nay đất nước đang trên con đường đổi mới và phát triển nên sửa đổi Hiến pháp lần này là một cơ hội để minh định một quyền lực tối cao của Nhân dân trong một văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta. Vì vậy, chúng tôi đề nghị trong dự thảo cần có một quy định cụ thể về quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân.

Thạc sĩ Trương Thị Hiền

(Trường Đại học Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc