Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Một số ý kiến về chương III - kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

11:08, 02/04/2013

Xây dựng Hiến pháp là một quy trình vừa đòi hỏi trí tuệ của các chuyên gia (mặt kỹ thuật) - yêu cầu khái quát cao nhưng diễn đạt lại phải dễ hiểu - vừa rất cần suy nghĩ đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong xã hội  (mặt nội dung) thể hiện trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Chính vì cái khó khăn này, đòi hỏi phải có thời gian nhất định để tập trung trí tuệ  xây dựng Hiến pháp. Việc xây dựng các điều khoản liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường là đề cập đến những vấn đề người dân đau đáu quan tâm hàng ngày với những âu lo trăn trở không dứt. Hơn nữa, lĩnh vực này lại thiết thực và trực tiếp nhất tác động đến hoạt động sống của con người hàng ngày. Và, lĩnh vực này luôn có những thay đổi rất nhanh và phức tạp khó lường. Cái khó nữa là, những vấn đề này đòi hỏi Nhà nước phải đảm bảo thường xuyên vì đó là những quyền cơ bản tối thiểu của con người như việc làm, đời sống, học hành …

 

Chương III, gồm có 16 điều (từ Điều 53 đến Điều 68) với hai điều mới là Điều 59 về ngân sách Nhà nước và Điều 68 về môi trường, còn các điều khác hầu hết đều được sửa đổi, bổ sung. Các quy định của chương này mang tính nguyên tắc, khái quát vể chế độ kinh tế, về xã hội, văn hóa, về giáo dục và khoa học công nghệ và về bảo vệ môi trường. Vẫn biết rằng, những vấn đề cụ thể sẽ do các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, hướng đến mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng: Khoản 1, Điều 55 (sửa đổi , bổ sung Điều 24, Điều 26) quy định: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân”.

Theo tôi, nên diễn đạt như sau: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, để nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng để kinh tế giữa các vùng, các địa phương phát triển hợp lý, hài hòa trong tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân”.

Về Khoản 1, Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56): “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động”.

Theo tôi, diễn đạt như sau: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động”.

Về Khoản 1, Điều 64 (sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34): “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ”.

Theo tôi, diễn đạt thêm rằng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ”.

Và, ở khoản 4 của Điều này:  “Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan”.

 Cần diễn đạt thêm cho chặt chẽ là: “Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan” .

 Ở Điều 68 (mới)

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân.

2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích. 

3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Theo tôi , diễn đạt như sau:

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân.

2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.  

3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và phải khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Trên đây là một số suy nghĩ về Chương III, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, tác giả ngoài việc mong muốn chia sẻ quan điểm về việc sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo còn thấy rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải bám sát những định hướng chiến lược phát triển của đất nước và phải có tầm nhìn xa, nhìn sâu và bao quát trong thế giới phát triển ngày nay.

Trần Khải Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.