Multimedia Đọc Báo in

Một số ý kiến góp ý về các nội dung cụ thể Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

09:56, 03/04/2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nước CHXHCNVN năm 1992 bao gồm Lời nói đầu và 11 Chương, 124 Điều. Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi xin góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Cơ bản Dự thảo đã thể chế quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên việc xác định rõ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, còn những quyền và nghĩa vụ nào không phải cơ bản thì không cần đưa vào Hiến pháp mà để luật quy định. Như vậy, sẽ đảm bảo tính hợp lý và dễ thực hiện.

Tại khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) quy định Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau: “...làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”. Xin tham gia ý kiến: Dự thảo không nên dùng từ "làm Hiến pháp và làm luật" mà nên thay từ thích hợp hơn để dễ hiểu, hiểu đúng. Có thể thay thế cụm từ sau: " Xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; xây dựng luật và sửa đổi luật".

Tại khoản 3 quy định: "Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", đề nghị nên thay cụm từ "mục tiêu, chỉ tiêu" thành từ "kế hoạch" và biên tập lại như sau: "Quyết định kế hoạch, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Đối với quy định về Chủ tịch nước: Cần có quy định bổ sung rõ về vai trò, vị trí của Chủ tịch nước với tính chất là thiết chế giữa vị trí cân đối, kiểm soát, điều hòa và phối hợp quyền lực giữa ba cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cần bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt cho Chủ tịch nước trong điều kiện chiến tranh xảy ra với tư cách là thống lĩnh lực lượng vũ trang và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Tại Điều 28 (Sửa đổi bổ sung Điều 54) quy định:  Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc Hội, HĐND các cấp. Theo tôi, nên thay cụm từ "đủ 18 tuổi..., đủ 21 tuổi" thành "từ 18 tuổi...., từ 21 tuổi" cho là phù hợp. Bởi vì theo xu thế phát triển của xã hội, từ 18 tuổi nhận thức về trách nhiệm công dân đã hình thành đầy đủ. Nếu quy định đủ 18 tuổi, có nghĩa là phải đủ ngày, giờ từ khi sinh cho đến ngày bầu cử thì mới đúng. Đây là việc rất khó áp dụng trong thực tiễn, dễ dẫn đến Hiến pháp quy định nhưng không đi vào cuộc sống. Hơn nữa độ tuổi từ 18 tuổi là nữ thì có quyền lập gia đình rồi, tức là nhận thức và hiểu biết về xã hội đã hình thành một cách cơ bản, đây cũng là xu thế phát triển chung của các nước trên thế giới và khu vực.

Tại Điều 29 (Sửa đổi, bổ sung Điều 53): tại Khoản 2: Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Theo tôi, nên thay cụm từ "phản hồi ý kiến" thành cụm từ "thụ lý giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân" và đề nghị biên tập lại như sau: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân".

Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53) quy định: Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, đề nghị bổ sung thêm: "Công dân có quyền và nghĩa vụ biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý kiến". Bởi vì: Công dân không chỉ có quyền biểu quyết mà còn cần phải thấy được nghĩa vụ của công dân để tham gia ý kiến đối với nhà nước, xã hội. Thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân luôn có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết, nhất là trên lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Theo Khoản 2, Điều 32 (sửa đổi, bổ sung Điều 72) quy định: "Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm", theo tôi, nên thay cụm từ "Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm" thành cụm từ "Một tội phạm chỉ bị kết án một lần", như vậy, sẽ đầy đủ, rõ nghĩa hơn. Đồng thời, biên tập lại như sau: "Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử, một tội phạm chỉ bị kết án một lần".

Tại Khoản 1, Điều 124 (Sửa đổi, bổ sung Điều 147) theo tôi nên thay cụm từ "Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau..." thành cụm từ "Việc sửa đổi, thay thế Hiến pháp được quy định như sau...". Như vậy, khoản 1, Điều 124 biên tập lại như sau: "Việc sửa đổi, thay thế Hiến pháp được quy định như sau: "1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị sửa đổi, thay thế Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc sửa đổi hoặc thay thế Hiến pháp mới khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành".

Trên đây là một số ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của Hiến pháp.

Nguyễn Văn Bảy


Ý kiến bạn đọc