Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa VIII: Cơ quan chức năng trả lời vấn đề cử tri quan tâm
Các trường hợp sử dụng đất, rừng không đúng mục đích đều bị xử lý nghiêm
* Cử tri TP. Buôn Ma Thuột đề nghị tỉnh rà soát lại toàn bộ diện tích đất giao, cho thuê đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là tại TP. Buôn Ma Thuột để sản xuất, kinh doanh có tuân thủ nghiêm các điều kiện quy định của pháp luật? Nếu sai phạm thì kiên quyết thu hồi về cho Nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 7-9-2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê đất trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ở cấp huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra và thực hiện việc kiểm tra theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Qua kết quả kiểm tra, trong 2 năm (2010 - 2012) cho thấy phần lớn các tổ chức được giao đất đã chấp hành đúng các quy định về pháp luật đất đai, sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới. Bên cạnh đó vẫn có một số tổ chức để đất bị lấn, chiếm, sử dụng đất chưa thật sự hiệu quả, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật, để trống hoặc chậm đưa đất vào sử dụng... Sở TN&MT đã tổng hợp, báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra làm rõ và có kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý đối với các tổ chức vi phạm theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg, Chỉ thị số 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo đúng quy định pháp luật.
* Cử tri TP. Buôn Ma Thuột phản ánh đất Công ty gỗ lạng là đất nông nghiệp nhưng Công ty lại được bán, cho thuê, trong khi đó, nếu người dân xây dựng nhà cửa thì bị cưỡng chế ?
Căn cứ Điều 15 và 18 Luật Đất đai năm 2003, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý sang nhượng, cho thuê lại mà chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả... là vi phạm pháp luật đất đai và bị xử lý theo quy định. Vấn đề kiến nghị của cử tri, Sở TN&MT sẽ thành lập Đoàn kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất của Công ty gỗ lạng trong năm 2013, nếu phát hiện sai phạm, sở sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
* Cử tri huyện Ea Súp phản ánh việc giao rừng trên địa bàn huyện cho các công ty thuê nhưng các đơn vị bảo vệ không hiệu quả và sử dụng không đúng mục đích, đề nghị tỉnh xem xét và rà soát cho thu hồi các dự án trên.
Trong thời gian qua UBND tỉnh đã kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tiềm lực kinh tế vào đầu tư phát triển rừng, trồng cao su trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có huyện Ea Súp. Tình trạng để rừng bị chặt phá, lấn chiếm đất trái phép tại các dự án trồng rừng, cao su xảy ra hầu hết trong giai đoạn trước khi các chủ dự án được giao đất, giao rừng chưa có đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý vảo vệ rừng, đất đai vùng dự án. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ea Súp có một số doanh nghiệp triển khai dự án còn chậm tiến độ, công tác quản lý bảo vệ rừng trong vùng dự án chưa được tốt dẫn đến tình trạng để người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để đòi hỏi đền bù, khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật,..
Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã xem xét chấm dứt chủ trương đối với 5 dự án trồng cao su tại địa phương này, gồm: Dự án của Công ty Cổ phần cao su Ea Súp, Công ty TNHH MTV Trần Cảnh, Công ty TNHH Cari Lan, Công ty TNHH XD Phú Vinh và Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Đội, với tổng diện tích là 1.782ha.
Nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh bị chặt phá do công tác quản lý, bảo vệ rừng trong vùng dự án chưa được tốt |
Hiện tại, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát đánh giá tình hình thực hiện các dự án trồng rừng, cao su trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu phát hiện DN nào sai phạm và thực hiện dự án không hiệu quả, có biểu hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng thì sẽ xử lý, tùy theo mức độ vi phạm.
Chưa thể đầu tư nước sinh hoạt cho các xã ngoại thành
* Cư tri thôn 1 xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh: nước sinh hoạt của người dân không bảo đảm, đề nghị cấp nước sạch cho các địa bàn ngoại thành.
Địa bàn thôn 1 nói riêng, xã Hòa Khánh nói chung chưa được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (trừ buôn Kbu), người dân chủ yếu sử dụng giếng đào hoặc khoan. Kết quả sơ bộ kiểm nghiệm mẫu nước từ 2 giếng khoan của 2 hộ gia đình đang sử dụng tại thôn 1 cho thấy: độ cứng vượt 1,3 lần, hàm lượng sắt vượt 10,6 lần dẫn đến màu sắc, độ đục vượt tiêu chuẩn trên 10 lần so với giới hạn cho phép theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Vì vậy, nước thôn 1 cần phải xử lý trước khi sử dụng sinh hoạt. Hệ thống cấp nước tập trung phục vụ cho TP. Buôn Ma Thuột chủ yếu cho khu vực nội thành, và khu vực ngoại thành chỉ phục vụ được cho 1 phần dân cư dọc các trục đường chính thuộc địa bàn 5 xã: Hòa Thuận, Hòa Xuân, Hòa Thắng, Cư Êbur và Ea Tu. Theo tính toán sơ bộ, nếu đầu tư cấp nước cho dân cư thôn 1 và các khu dân cư dọc tỉnh lộ 2 (xã Hòa Khánh) phải cần khoảng kinh phí 25 tỷ đồng, vượt quá điều kiện của đơn vị cấp nước. Mặt khác, hiện nguồn nước đang thiếu hụt, khả năng đáp ứng nước sạch khi mở rộng hệ thống là rất khó khăn. Việc cấp nước sạch cho các xã ngoại thành là giải pháp lâu dài trong chương trình, dự án mở rộng công suất và mạng lưới cấp nước TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn sau 2015. Trước mắt, UBND thành phố cần chủ động phối hợp với các đơn vị có năng lực chuyên ngành xử lý nước hướng dẫn kỹ thuật để người dân tự xử lý nước hợp vệ sinh dùng trong sinh hoạt…
Ngọc Nguyên
Ý kiến bạn đọc