Đoàn ĐBQH tỉnh: Tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội
Chiều 23-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2007 đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước và cụ thể hóa các nội dung quy định trong Hiến pháp năm 1992 về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Theo đánh giá của các đại biểu, trải qua nhiệm kỳ thứ ba thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Đoàn ĐBQH Dak Lak đã có bước phát triển trên nhiều mặt: Cơ cấu đại biểu hợp lý, ngày càng có vai trò, vị thế quan trọng. Các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tham gia lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, hơn 10 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức hơn 50 hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào hơn 100 dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền các đạo luật đã được Quốc hội thông qua. Về hoạt động giám sát, nội dung, chương trình giám sát được xây dựng và thực hiện ngày càng cải tiến. Qua 19 đợt giám sát, Đoàn đã có hơn 150 kiến nghị với các cấp, các ngành và các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, chính sách và khắc phục những tồn tại qua tổ chức thực hiện ở địa phương. Ngoài các nội dung chủ động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tham gia trên 48 đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND và các ban của HĐND về nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức khảo sát, làm việc với UBND tỉnh và các ngành có liên quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại địa phương nhằm tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến tham gia, đóng góp vào Nghị quyết của Quốc hội.
Quang cảnh Hội nghị |
Về việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, chương trình, nội dung giám sát được thực hiện theo phương pháp: Đoàn tổ chức đi khảo sát thực tế, tiếp xúc với dân trước, sau đó làm việc với chính quyền các cấp. Nhiều đợt giám sát xuất phát từ những kiến nghị đề xuất có tính bức xúc từ cử tri. Trong công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh duy trì tốt công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân của tỉnh theo chế độ định kỳ một tháng một lần; ngoài ra cử đại biểu tham gia các buổi tiếp dân của UBND tỉnh vào ngày 15 hằng tháng. Qua đó, Đoàn đã có nhiều kiến nghị trực tiếp với UBND tỉnh và các cấp, các ngành có liên quan nhằm giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Các đơn thư do Đoàn chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết được theo dõi, đôn đốc thường xuyên. Đối với những vụ việc kéo dài, Đoàn đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh khảo sát trực tiếp, ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ giải quyết đơn thư hằng năm qua theo dõi đạt khoảng 65%.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH của tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số chương trình, đợt giám sát còn có sự nể nang, ngại va chạm, thiếu tranh luận giữa người giám sát và đối tượng chịu sự giám sát. Một số cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát chưa quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh các kiến nghị, yêu cầu của cơ quan giám sát. Hình thức chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội ở tỉnh chủ yếu bằng văn bản, việc đối thoại trực tiếp trên diễn đàn Quốc hội còn hạn chế…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc