Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả sau 6 năm thực hiện thành lập chi bộ cơ quan, xã, phường tại thị xã Buôn Hồ

08:52, 03/08/2013

Thực hiện Công văn số 119 –CV/TW ngày 22-8-2007 của Ban Bí thư Trung ương về việc “đồng ý chủ trương thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn” và Hướng dẫn số 10 – HD/BTCTW ngày 10-10-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về “thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn”, sau khi Đảng bộ thị xã Buôn Hồ được công bố thành lập (tháng 4-2009) Thị ủy Buôn Hồ đã soát xét lại thì trong 12 Đảng bộ xã, phường mới chỉ có 3 Đảng bộ xã có chi bộ cơ quan. Sau Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, hệ thống chính trị ở thị xã và các xã, phường đã ổn định. Đầu năm 2011 Thị ủy Buôn Hồ đã tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường thành lập mới chi bộ cơ quan. Đến nay đã có 9 Đảng bộ xã, phường có chi bộ cơ quan là: Bình Thuận, Ea Siên, Ea Drông, Ea Blang, Đạt Hiếu, Đoàn Kết, An Lạc, An Bình, Thiện An; chỉ còn 3 đơn vị xã, phường là: Cư Bao, Thống Nhất và Bình Tân do số lượng đảng viên tại các thôn, tổ dân phố ít, không đủ số lượng thành lập chi bộ nên phải phân công đảng viên đang công tác tại Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND, công chức xã, phường về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, tổ dân phố. Tổng số đảng viên hiện nay tại các xã, phường là 1639/2419 đồng chí, chiếm 67,75% tổng số đảng viên của toàn thị xã; riêng đảng viên của 9 chi bộ xã, phường là 104 đồng chí.

Về tình hình tổ chức, hoạt động của chi bộ cơ quan  xã, phường: Ngay sau khi được thành lập, 100% các chi bộ đã xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với quy chế hoạt động của toàn Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ. Việc xây dựng quy chế hoạt động của chi bộ cơ quan đã gắn liền với nội dung sinh hoạt cũng như phương thức hoạt động của chi bộ và luôn gắn với tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương. Về ưu điểm, hầu hết đảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị nên việc tiếp thu và xử lý thông tin tốt, việc nắm bắt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp trên nhanh và kịp thời nhất; là nơi nắm bắt nhanh nhất tâm tư nguyện vọng của đảng viên và nhân dân các thôn, buôn, tổ dân phố phản ánh lên cấp trên thông qua các đồng chí lãnh đạo được phân công phụ trách địa bàn quản lý và sinh hoạt tại nơi cư trú. Đây cũng là nơi tuyên truyền và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh nhất đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương và là nơi chủ yếu bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận tốt cho xã, phường cũng như cho thị xã.

Về mặt hạn chế đối với các chi bộ xã, phường là còn có tình trạng các chi bộ sinh hoạt chưa đúng theo quy định (thường chậm hơn so với quy chế đề ra) do một số đồng chí là lãnh đạo của xã, phường không thể tham gia sinh hoạt được do bận công tác, hội họp đột xuất hoặc tham gia chỉ đạo cơ sở. Tinh thần tự phê bình và phê bình trong Chi bộ cũng còn có lúc cả nể, do một số đồng chí đảng viên là cán bộ chủ chốt xã, phường nên các đồng chí khác ngại góp ý; hạn chế đến việc tăng cường sự lãnh đạo cho các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố (vì chi bộ thôn, tổ dân phố đa số là cán bộ hưu trí hoặc đã lớn tuổi).

Từ tình hình trên cho thấy nên duy trì mô hình chi bộ cơ quan ở các xã, phường và cần phát huy những mặt mạnh của mô hình trên, đồng thời tiếp tục thành lập thêm các chi bộ cơ quan ở những đơn vị xã, phường chưa có điều kiện thành lập. Tuy nhiên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố cần đẩy mạnh việc kết nạp đảng viên trẻ là người tại chỗ. Những chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố thiếu đảng viên tại chỗ hoặc đảng viên trẻ thì việc điều động một số đồng chí cán bộ chủ chốt xã, phường hoặc công chức cơ sở về làm Bí thư hoặc phó Bí thư Chi bộ cũng là cần thiết.

Ngô Trung Việt

(Thị ủy Buôn Hồ)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.