Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và những vấn đề cần quan tâm để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW4, Khóa XI
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm và coi trọng công tác kiểm tra và việc giữ gìn kỷ luật Đảng, một công tác rất quan trọng nhằm đảm bảo cho mục tiêu, lý tưởng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, kỷ cương của Đảng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”. “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
Từ thực tế lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta khẳng định: “Công tác kiểm tra có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng”. Vì lãnh đạo không chỉ là việc xây dựng đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, việc tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ, mà lãnh đạo còn là kiểm tra, giám sát, không những kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, Cương lĩnh chính trị, chủ trương, chính sách mà kiểm tra ngay cả bản thân đường lối, Cương lĩnh chính trị, chủ trương, chính sách đó và kiểm tra, giám sát cả các tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng.
Tổng kết 20 năm đổi mới, Đảng ta rút ra sáu bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát là: “Đảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Qua các thời kỳ cách mạng, công tác kiểm tra, giám sát luôn thể hiện được tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động là “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” với phương châm xử lý “công minh, chính xác, kịp thời”. Ủy ban kiểm tra các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ Điều lệ Đảng quy định, đồng thời chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong kháng chiến kiến quốc trước đây, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Qua kiểm tra, đã góp phần rèn luyện, giáo dục cho mỗi cán bộ, đảng viên hoạt động trên các lĩnh vực, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ tròn khí tiết, bản lĩnh người cộng sản, đạo đức cách mạng, trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Công tác kiểm tra không chỉ phát hiện, xử lý cái sai, đưa những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, mà còn phát hiện, khẳng định, tổng kết, biểu dương những tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc để nêu gương trong toàn Đảng.
Cùng với sự ra đời, phát triển của Ngành kiểm tra Đảng cả nước, năm 1969, Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh ta được thành lập. Từ ngày đầu thành lập Ban Kiểm tra đến nay, Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và từng bước kiện toàn cơ quan kiểm tra của cấp ủy các cấp. Đến nay, Đảng bộ đã có hàng nghìn cán bộ làm công tác kiểm tra; cơ quan kiểm tra của tỉnh và huyện có bộ máy hoạt động tương đối đồng bộ, các đảng bộ cơ sở đều có ủy ban kiểm tra.
Trong 44 năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát hàng chục nghìn lượt đảng viên và hàng nghìn lượt tổ chức đảng về chấp hành và khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giải quyết hàng chục nghìn đơn thư tố cáo đối với đảng viên và tổ chức đảng; xử lý và tham mưu cấp ủy xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, đề nghị Nhà nước xử lý hàng trăm trường hợp đảng viên vi phạm pháp luật, buộc đảng viên vi phạm hoàn lại công quỹ hàng chục tỷ đồng... Ngoài ra, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cho cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên theo Điều 30, Điều lệ Đảng và triển khai thực hiện việc kiểm tra và tự kiểm tra về lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; sử dụng tài chính, tài sản công…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, mà trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra mục tiêu, phương châm và hệ thống các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, trong đó xác định rõ: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng; “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”; “Ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý trong việc chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về cán bộ, công chức; hằng năm cần có báo cáo kết quả thực hiện của cán bộ thuộc cấp ủy quản lý trong việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức”.
Trên tinh thần ấy cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói, đây là công cụ đắc lực để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Để khắc phục tình trạng này nếu chỉ đề cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên qua tự phê bình và phê bình thì vẫn chưa đủ, mà các cấp ủy còn cần phải thu thập thông tin nhiều chiều để gợi ý cho các cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên thuộc thẩm quyền phải kiểm điểm làm rõ những vấn đề đang còn tồn tại hoặc được dư luận đặt ra để qua đó có kết luận, xử lý cụ thể, công minh. Mặt khác, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nên càng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ bước triển khai quán triệt đến việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện từng nội dung của Nghị quyết để bảo đảm Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, tạo được chuyển biến thực sự, tránh được tình trạng làm lướt, chiếu lệ, hình thức hoặc thái độ cực đoan, quá khích, làm rối nội bộ.
Phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, làm cho công tác kiểm tra thực sự là công cụ đắc lực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tạo ra được chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng Đảng, cần quan tâm một số vấn đề:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp phải tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Trung ương 4. Từ đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết; người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở mỗi cấp và cấp trên phải thực sự gương mẫu thực hiện để làm gương cho cấp dưới.
Thứ hai, cần tiến hành kiểm tra, giám sát từ bước triển khai quán triệt đến việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện từng nội dung của Nghị quyết để bảo đảm Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, tránh được tình trạng làm lướt, “đầu voi, đuôi chuột” hoặc thái độ cực đoan, quá khích. Đặc biệt, cần chú ý tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và xử lý kết quả tự phê bình và phê bình.
Thứ ba, kiểm tra, xem xét việc giải quyết kịp thời những vụ việc có thông tin hoặc đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm. Kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ tư, kiểm tra đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải “có trọng tâm, trọng điểm” và “giám sát phải mở rộng” mới ngăn ngừa, khắc phục được khuyết điểm từ lúc mới manh nha; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm, dựa dẫm vào tập thể, thành tích thì muốn nhận, khuyết điểm thì đổ lỗi cho người khác. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của đảng viên trong từng nhiệm vụ, những vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời trong từng thời gian cụ thể.
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát cùng với công tác tư tưởng phải góp phần nâng cao bản chất cộng sản trong mỗi người đảng viên. Hoạt động kiểm tra, giám sát phải có lý, có tình, dựa trên tình đồng chí sâu sắc. Kiểm tra không phải để truy tìm khuyết điểm, để trừng phạt, để kỷ luật mà quan trọng hơn, kiểm tra để giúp cho đảng viên khắc phục khuyết điểm, phấn đấu ngày càng tiến bộ, giúp cho họ tự nhìn nhận và hoàn thiện bản thân mình.
Thứ sáu, phải chú trọng kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kiểm tra việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Qua kiểm tra, giám sát, gương người tốt, việc tốt được phát hiện và biểu dương. Đối với những trường hợp vi phạm về tham ô, tham nhũng..., phải kiên quyết xử lý kịp thời. Đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần chuyển cho cơ quan điều tra theo quy định. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cũng phải có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, vinh danh những người đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham ô, tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một quá trình gian nan, vất vả. Nó tác động đến mỗi người, từng tổ chức, nhất là liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Cho nên phải tiến hành thận trọng, đồng bộ, kiên trì, đúng phương châm, công minh, chính xác, kịp thời và mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực, và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác. Phải là người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh, vừa có lòng nhân ái, và nhiều khi phải chịu đựng hy sinh quyền lợi cá nhân nữa. Chỉ có như vậy mới góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, đáp ứng sự chờ đợi của nhân dân, trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ.
Trần Ngọc Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc