NỖ LỰC PHẤN ĐẤU VỚI QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CAO ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ NĂM 2014
Cùng với những khó khăn chung của cả nước, trong năm 2013, tỉnh Dak Lak đã gặp rất nhiều trở ngại, thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tình hình đó đòi hỏi phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp chính quyền cùng tinh thần đoàn kết một lòng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh… Đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua cũng như định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến, đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dành cho Báo Dak Lak cuộc phỏng vấn nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014.
Đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dak Lak. |
*Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2013 được xem là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Xin đồng chí đánh giá khái quát một số thành tựu cơ bản mà tỉnh ta đã đạt được trong năm qua?
- Có thể nói, trong bối cảnh tình hình cả nước tiếp tục có nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, mặc dù kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2013 của tỉnh ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều tăng hơn năm 2012.
Trên lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm xã hội (theo giá so sánh 1994) ước đạt 16.008 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2012; thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 27,7 triệu đồng. Khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm phát triển, đặc biệt là Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai có hiệu quả và được nhân dân quan tâm hưởng ứng; có nhiều tấm gương sáng tự nguyện góp công, góp tiền, hiến đất... để xây dựng các công trình phát triển nông thôn...
Đồng chí Niê Thuật thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê (huyện Ea Súp)... Ảnh: Đ.T |
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, mạng lưới cơ sở vật chất, quy mô giáo dục - đào tạo tiếp tục được mở rộng, chất lượng từng bước được nâng lên. Toàn tỉnh có tỷ lệ trường học đạt Chuẩn quốc gia đạt 27,59%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm hơn; hệ thống cơ sở khám chữa bệnh và đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở tiếp tục được tăng cường, cơ bản đáp ứng công tác điều trị bệnh cho nhân dân; tỷ lệ xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế đạt 45%. Công tác dạy nghề được quan tâm, đặc biệt là dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 43%. Trong năm qua đã giải quyết việc làm cho khoảng 26.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 850 người. Công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội được tích cực triển khai, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,99%, giảm 2,68% so với năm 2012.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định. Duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới giữa hai nước.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến tích cực trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc khắc phục các khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) bước đầu đạt được một số kết quả khá tích cực, đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên ở tất cả các cấp. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực...
và cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 95, Sư đoàn bộ binh 2 nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Đ.T |
Những kết quả trên đã phản ánh đúng tình hình thực tế, thể hiện rõ quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm của toàn Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp, động viên quần chúng nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2013.
* Ngoài những nguyên nhân khách quan, xin đồng chí Bí thư chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong năm qua? Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã rút ra bài học gì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Trong năm 2013 vừa qua chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu chưa đạt yêu cầu đề ra. Tính bền vững trong phát triển kinh tế chưa được cải thiện và ngày càng bộc lộ rõ khi tình hình có nhiều biến động bất lợi. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa đồng đều, phát triển cà phê thiếu bền vững. Tình trạng gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng... trái phép ở một số nơi chưa được ngăn chặn kịp thời. Công tác quản lý xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập, giải ngân chậm, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản nhiều, hiệu quả sử dụng các nguồn lực từ ngân sách để kích thích nền kinh tế chưa cao. Thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành công nghiệp chưa có nhiều kết quả. Quản lý các nguồn thu ngân sách còn lỏng lẻo, thất thu lớn. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều dư luận xấu chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức...
Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân. Về mặt chủ quan, trước hết là do chúng ta chưa đánh giá, xác định, dự báo đúng tình hình, nên nhiều chỉ tiêu cơ bản, quan trọng đề ra từ đầu nhiệm kỳ cao hơn so với thực tế, dẫn đến các chỉ tiêu, nghị quyết hằng năm cũng phải xây dựng ở mức cao. Ngoài ra, việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; chống gian lận, thất thu thuế; cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn… cũng chưa thực sự quyết liệt. Ở một số lĩnh vực, chính quyền các cấp triển khai chưa tích cực, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy. Một số sở, ban, ngành, địa phương chưa năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đạt thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn tỉnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, làm việc không tích cực, trình độ, năng lực hạn chế… nhưng chưa được phát hiện, chấn chỉnh, thay thế, xử lý kịp thời…
Bước sang năm 2014, kinh tế thế giới sẽ phục hồi tích cực hơn, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Đối với tỉnh ta, giá cả các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su vẫn ở mức thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn, phục hồi chậm; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước để hoạt động chống phá ta trên các lĩnh vực. An ninh nông thôn, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp… Trước tình hình đó, trong năm 2014, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, góp phần thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau:
Tập trung chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Tăng cường thu hút và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn, các hoạt động đầu tư. Tập trung vốn thanh toán dứt điểm nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản, sớm hoàn thành các công trình dở dang để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Tăng cường quản lý các nguồn thu và đẩy mạnh công tác thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu. Làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm tài nguyên rừng và đất rừng…
Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Thể dục thể thao. Tập trung thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, hỗ trợ các đơn vị hoàn thành quy hoạch, đề án và huy động sự tham gia của nhân dân, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo cơ chế linh hoạt, thuận lợi để thực hiện các công trình nông thôn. Triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, trong đó quan tâm đối tượng là thanh niên dân tộc tại chỗ, hộ nghèo, hộ chính sách. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách cho các đối tượng khác. Tiếp tục rà soát quan tâm xem xét, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Duy trì và củng cố mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác với tỉnh Mondulkiri (Campuchia); đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc biên giới. Theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến về an ninh chính trị, tăng cường các biện pháp đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các đối tượng liên quan hoạt động Fulrô, phòng chống vượt biên trái phép; xóa bỏ các loại tà đạo hoạt động trái phép trên địa bàn. Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đấu tranh truy quét, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, ma túy; kiềm chế có hiệu quả, giảm tai nạn giao thông.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Thường xuyên tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ thuộc diện quy hoạch để đảm bảo chất lượng nguồn cán bộ các cấp nhiệm kỳ tiếp theo. Tiến hành điều động, luân chuyển, thay thế kịp thời cán bộ lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của UBND, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Kiên quyết xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp và nhân dân...
* Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?
- Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhất là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy Đảng đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp; bước đầu đã tạo sự lan tỏa, hiệu quả, tác động nhất định đến đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, theo tôi, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được còn khiêm tốn: Một số tổ chức Đảng chưa chủ động xây dựng chương trình khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm hoặc có xây dựng nhưng việc đề ra các biện pháp, giải pháp khắc phục sau kiểm điểm chưa phân rõ lộ trình để thực hiện cho hiệu quả và công tác chỉ đạo, đôn đốc chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn có dư luận tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là việc tuyển dụng, thuyên chuyển công tác trong ngành giáo dục, y tế… Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có nơi chưa nghiêm túc; tinh thần đấu tranh tự phê bình, phê bình trong Đảng chưa được phát huy mạnh mẽ; chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số nơi chưa đạt yêu cầu...
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, trong năm 2014, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả việc khắc phục các khuyết điểm đã được chỉ ra trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhóm giải pháp mà Nghị quyết của Trung ương đã nêu ra, gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nội dung trọng tâm chuyên đề năm 2014 là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”
- Xin cảm ơn đồng chí!
Việt Cường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc