21:30, 25/09/2014
Sáng 25-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê chủ trì Hội nghị.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi gồm có 7 chương, 105 điều, quy định cụ thể những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội… Góp ý vào dự thảo luật này, nhiều đại biểu cho rằng quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội vẫn còn chung chung nên cần nêu cụ thể hơn, nhất là về trình độ, năng lực của đại biểu Quốc hội; nếu không thể lượng hóa được quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội nói chung thì cũng cần lượng hóa quy định tiêu chuẩn đối với những đại biểu chuyên trách.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng khoản 4 trong Điều 22 về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm” nên được thay bằng cụm từ “Phải được nhân dân tín nhiệm” là đủ. Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu tham gia góp ý là về quy định “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” đối với đại biểu Quốc hội. Đa số các đại biểu đều thống nhất chỉ cần có hai mức phiếu tín nhiệm là tín nhiệm và không tín nhiệm; đồng thời cần quy định rõ trường hợp “người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm” thì buộc phải từ chức chứ không nên như trong quy định là “có thể từ chức”. Các đại biểu còn góp ý về một số từ ngữ trong dự thảo Luật chưa phù hợp, cần thay đổi như: thay từ “làm luật” bằng “xây dựng/ban hành luật”; thêm chữ “quyết định” vào tiêu đề Điều 19 về trưng cầu dân ý và bỏ chữ “giá trị” trong khoản 2 của điều này…
|
Đại diện TAND tỉnh cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). |
Về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đa số các đại biểu đều đánh giá: việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã khắc phục được những bất cập của luật hiện hành. Góp ý vào dự thảo luật này, nhiều đại biểu cho rằng trong quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước tại Điều 61, nên giảm thời gian hết thời hạn từ 5 năm xuống còn 3 năm đối với khoàn thu có giá trị 5 triệu đồng và 5 năm với khoản thu từ 5 triệu đồng trở lên. Đại biểu cũng đề nghị cần giảm thời gian quy định thực hiện phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án từ 48 tiếng xuống còn 24 tiếng bởi đây là biện pháp khẩn cấp tạm thời, cần thực hiện trong thời gian ngắn nhất; đồng thời quy định mốc thời gian cụ thể đối với các đối tượng được hoãn thi hành án như người bị ốm nặng có xác nhận của cơ sở y tế… Các đại biểu cũng đề nghị trong dự án luật này cần bổ sung thêm những quy định cụ thể, gắn trách nhiệm của các cơ quan như Viện KSND, TAND trong việc tham gia cùng thi hành án; tăng thêm vai trò, trách nhiệm giám sát cơ quan thi hành án của HĐND các cấp. Các đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung cơ chế giám sát đối với việc thực hiện chi phí cưỡng chế thi hành án bởi chi phí này được dự trù bởi chấp hành viên và do chính Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt (quy định tại khoản 5 Điều 73); đồng thời cần bổ sung thêm quy định về đối tượng trả chi phí định giá lại tài sản kê biên trong trường hợp chấp hành viên vi phạm dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản (điểm b khoản 1 Điều 99)…
|
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp và đề xuất tại kỳ họp Quốc hội sắp đến.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc