Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên tạo nguồn phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên

11:03, 03/11/2014

Xác định công tác phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các tổ chức Đoàn ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là học sinh, sinh viên (HSSV) tích cực phấn đấu, học tập và làm việc tốt để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Hằng năm Tỉnh ủy đều giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho các đơn vị trường học, vì thế ngoài công tác giáo dục, một số trường như: Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên… luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đoàn viên là HSSV nhằm tạo nguồn nhân lực phát triển Đảng.

 

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham gia hiến máu tình nguyện.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham gia hiến máu tình nguyện.

Anh Hồ Viết Thắng, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên cho biết, hiện Đoàn trường có 76 chi đoàn, 5 liên chi đoàn khoa, 1 chi đoàn trực thuộc với tổng số 1290 đoàn viên. Với đặc thù của trường có gần 80% HSSV là người dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn, có phong tục tập quán riêng, trình độ giáo dục phổ thông và nhận thức xã hội còn hạn chế, lực lượng HSSV luôn biến động do thời gian học tập ngắn, thường xuyên có những đợt thực tập sản xuất dài ngày, nên các hoạt động phong trào của trường đôi lúc bị ảnh hưởng do thiếu những thành viên nòng cốt. Tuy nhiên, xác định công tác phát triển đảng viên trong HSSV là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ giao phó, ngay từ đầu năm học, Đoàn trường đã tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, của Đoàn, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các buổi học tập, quán triệt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, Luật Giao thông,... Đồng thời thường xuyên nắm bắt tư tưởng, định hướng dư luận cho HSSV bằng nhiều hình thức phong phú, như thông qua đội nắm bắt tư tưởng, đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ, đường dây nóng. Phối hợp với Phòng Công tác chính trị HSSV mời Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy tuyên truyền các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, thông tin chuyên đề cho toàn thể HSSV nhà trường. Chỉ đạo, hướng dẫn các chi đoàn sinh hoạt định kỳ gắn với các chủ điểm nhân ngày lễ trọng đại của đất nước; tổ chức hội thi “Thanh niên làm theo lời Bác” nhân ngày thành lập Đoàn,… Đến nay, Đoàn trường vẫn duy trì có hiệu quả hoạt động của ngân hàng máu sống, câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, câu lạc bộ khát vọng xanh, câu lạc bộ cồng chiêng, đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, mỗi câu lạc bộ có hơn 50 ĐVTN tham gia. Qua đó, đẩy mạnh công tác của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, nâng cao chất lượng đoàn viên lấy nòng cốt là lực lượng HSSV để chọn lọc ra những nhân tố có đủ năng lực, phẩm chất để giới thiệu xem xét, kết nạp Đảng.

Không thể phủ nhận, việc có đông đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn là một trong những yếu tố quan trọng, vừa góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn ở các cơ quan, đơn vị, vừa đẩy mạnh được khâu phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên, với số lượng đoàn viên là HSSV trong trường hiện nay là hơn 10.000 người, thì việc phát triển đảng viên mới không thể chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà phải coi trọng chất lượng, phải bảo đảm những đoàn viên được kết nạp Đảng là những đoàn viên thực sự ưu tú và xuất sắc. Vì thế, Đoàn trường thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị như: “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt”, phong trào “Hướng về biên giới, biển đảo quê hương”… Bên cạnh đó, vận động HSSV tích cực tham gia các phong trào mùa hè xanh, hiến máu tình nguyện, câu lạc bộ từ thiện ước mơ xanh, các hoạt động thể thao, văn nghệ,… Qua đó chọn lọc, phân loại những đoàn viên tham gia nhiệt tình, tích cực trong hoạt động, công tác để giới thiệu với Đảng bộ nhà trường.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đoàn viên, Đoàn trường đã tiến hành đẩy mạnh thực hiện chương trình số 01 của Ban Thường vụ Đoàn trường về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa giai đoạn 2013-2020” cùng với kế hoạch số 08 về việc “Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên giai đoạn 2014 -2020 và xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Chủ động phối hợp với cấp ủy, lãnh đạo khoa thường xuyên kiểm tra giám sát các chi đoàn trong việc triển khai thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên để đánh giá, nhận xét đúng năng lực đoàn viên. Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng nhân lực tạo nguồn cho Đảng, đến nay Trường Đại học Tây Nguyên đã có gần 200 đảng viên là HSSV, riêng năm 2014 đã kết nạp 32 đoàn viên vào Đảng.

Nói về việc nâng cao chất lượng đoàn viên là HSSV tạo nguồn kết nạp Đảng, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Bí thư Đảng bộ Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Nhà trường luôn quan tâm công tác đào tạo nguồn và giúp đỡ các em phát huy hết khả năng của mình trong học tập cũng như các hoạt động xã hội. Việc HSSV được kết nạp Đảng trong nhà trường không chỉ là niềm vinh dự của các em mà còn có sức lan tỏa đến sự phấn đấu trong học tập, rèn luyện chung của HSSV toàn trường. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục xây dựng nhiều hoạt động, phong trào, tạo nên các sân chơi bổ ích để HSSV có thể phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình và tạo điều kiện tối đa cho những đoàn viên ưu tú, xuất sắc có cơ hội được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.