Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

10:26, 19/12/2014

°Cử tri Krông Buk đề nghị UBND tỉnh sớm giải ngân để huyện có kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực trung tâm huyện

- Dự án xây dựng khu trung tâm huyện Krông Buk hiện chưa phê duyệt phương án đền bù. Tỉnh cũng chưa nhận được đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án của UBND huyện Krông Buk. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hiện nay rất hạn chế trong khi nhu cầu bố trí vốn đầu tư để thanh toán nợ các công trình rất lớn. Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2015, tỉnh tập trung các nguồn vốn để thanh toán nợ các công trình quyết toán, hoàn thành và bố trí đủ vốn để các công trình chuyển tiếp hoàn thành đúng tiến độ.

°Cử tri xã Ea Kmút và xã Cư Ni tiếp tục kiến nghị, tỉnh cần sớm cho nâng cấp, sửa chữa đoạn đường từ Km 52 (QL 26) đi qua Công ty 720, 721 vào xã Ea Ô, đoạn đường này hiện nay đã bị hư hỏng nặng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân trong vùng.

- Kế hoạch vốn năm 2014 và 2015 từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ phải tập trung thanh toán nợ theo Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Ea Kar rà soát, tổng hợp danh mục các dự án trên theo Hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh (Công văn số 6674/HD-UBND, ngày 15-9-2014) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch vốn đầu tư công.

°Cử tri huyện Ea H’leo phản ánh tình trạng phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất rừng để sản xuất hiện nay diễn ra khá phổ biến ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xử lý, chấm dứt tình trạng trên.

- Đối với tình hình phá rừng tại xã Ea Hiao: UBND huyện Ea H’leo đã thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 2752/QĐ-UBND và có Báo cáo số 05/BC-ĐKT, ngày 30-5-2014 của Đoàn kiểm tra về xử lý phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Kết quả kiểm tra như sau: Tổng diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm tại tiểu khu 87, 95, 103, 110, xã Ea Hiao là 118,2 ha/126 hộ, đã lập 90 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, trong đó: 72 biên bản vi phạm hành chính về đất đai với diện tích 71,11 ha/72 hộ và 18 biên bản vi phạm về chặt phá rừng với diện tích 13,41 ha/18 hộ; đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân tộc thiểu số phía Bắc và dân tộc Kinh từ các xã Dliê Ya, Ea Tân, Ea Tó thuộc huyện Krông Năng và các xã trên địa bàn huyện Ea H’leo. Đoàn kiểm tra của UBND huyện Ea H’leo cũng đề xuất các hình thức xử lý cụ thể: Đối với phần đất rừng bị chặt phá: Diện tích đất rừng bị lấn chiếm, chặt phá Đoàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý diện tích đất rừng trên theo Luật Đất đai. Đối với các đối tượng có hành vi sang nhượng trái phép: Phân loại các đối tượng chuyên mua bán, lập hồ sơ chuyển Công an huyện kiểm tra, làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

°Cử tri huyện M’Drak đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét, đầu tư nâng cấp công trình hồ, đập trên địa bàn, đặc biệt là công trình hồ, đập của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A, B, C đã bàn giao cho huyện quản lý, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

- Việc đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi phải tuân theo quy hoạch được duyệt. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, lập kế hoạch hàng năm và theo giai đoạn đối với việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch thủy lợi chi tiết các lưu vực sông suối trên địa bàn huyện cũng như trong quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Dak Lak giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngày 22-8-2014, UBND tỉnh đã có Công văn số 6050/UBND-NNMT về việc đề nghị đưa các dự án đảm bảo an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh Dak Lak vào danh mục huy động vốn ODA, trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét. Danh mục công trình hồ, đập của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A, B, C đã bàn giao cho huyện quản lý, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng bao gồm: Hồ 725 (C32), Hồ đội 6 (đội 9 cũ), Hồ C19 (đội 12), Hồ đội 3, Hồ đội 4 (C8 và C10), xã Ea Riêng; Hồ đội 9, xã Ea M’Đoan; Hồ đội 36 (đội 1-2), xã Ea M’lây; Hồ Cư Róa 1, xã Cư Róa. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chuẩn bị và triển khai dự án WB8 “Nâng cao an toàn hồ chứa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai”. Các danh mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ được rà soát cụ thể đưa vào danh mục ưu tiên để thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn thực hiện dự án này.

°Cử tri xã Krông Jing, huyện M’Drak đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét, bố trí kinh phí nạo vét lòng hồ Krông Jing, hiện nay khả năng chứa nước không đảm bảo nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

- Hồ Krông Jin xây dựng từ năm 1981, lòng hồ bị bồi lắng nhiều. Năm 2010, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có kế hoạch bố trí vốn sự nghiệp thủy lợi để thực hiện công tác nạo vét công trình này. Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai thực hiện thì gặp vướng mắc vì nhân dân trong vùng trồng lúa 2 vụ, nếu thực hiện công tác nạo vét thì nhân dân sẽ mất trắng 1 vụ (khoảng 120 ha) do phải tháo nước mới thi công được, do đó nhân dân trong vùng không chấp nhận mất trắng. Vì vậy, nguồn kinh phí trên đã thực hiện sửa chữa nâng cấp công trình đầu mối mà không thực hiện nạo vét lòng hồ. Đề nghị UBND xã Krông Jing trình UBND huyện M’Drak kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương và kinh phí nạo vét lòng hồ công trình nêu trên, tuy nhiên phải cam kết giải phóng mặt bằng khi tiến hành nạo vét lòng hồ.

 (Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc