Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

11:01, 17/12/2014

* Cử tri huyện Lak kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư đê bao phía nam sông Krông Ana để cánh đồng lúa Buôn Triết, Buôn Tría, Dak Liêng sản xuất ổn định hai vụ.

- Cánh đồng 3 xã: xã Dak Liêng, xã Buôn Tría và xã Buôn Triết, huyện Lak chạy dọc theo bờ tả sông Krông Ana; phía bờ hữu sông Krông Ana là cánh đồng xã Quảng Điền, huyện Krông Ana. Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, hệ thống đê bao xã Quảng Điền thuộc huyện Krông Ana đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh với các hệ thống đê bao, trạm bơm tưới, tiêu và hệ thống kênh mương nội đồng v.v... Nhờ đó, nhân dân trong xã Quảng Điền ổn định sản xuất, chủ động tưới tiêu, đã trồng được lúa vụ 2, vụ 3 với năng suất rất cao đạt 7-8 tấn/ha. Phía bờ tả sông Krông Ana, cánh đồng 3 xã: xã Dak Liêng, xã Buôn Tría và xã Buôn Triết chưa được đầu tư xây dựng hệ thống đê bao nên người dân không thể chủ động với việc trồng lúa; nhiều năm lũ về mất trắng, tổn thất về tài sản vô cùng to lớn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. UBND tỉnh đã xin chủ trương đầu tư và phê duyệt danh mục ưu tiên Dự án đê bao cánh đồng 3 xã Dak Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, huyện Lak, tỉnh Dak Lak theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu triển khai thực hiện.

* Đa số cử tri đề nghị UBND tỉnh cần sớm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

- Năm 2014 là năm đầu tiên Chính phủ giao cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có phần chậm (đến tháng 4-2014 mới có hướng dẫn) và chưa giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc tại địa phương dẫn đến tỷ lệ giải ngân chung trong 9 tháng của cả nước đều thấp và mới đạt tỷ lệ 11%, riêng tỉnh Dak Lak là 13,9%. Bên cạnh việc kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn TPCP, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư khẩn trương phân khai vốn, thi công công trình và giải ngân đúng tiến độ giao kế hoạch, phấn đấu không để Trung ương thu hồi do không giải ngân hết vốn kế hoạch.

*Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể trong công tác triển khai Nghị quyết về thu học phí theo tinh thần Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, nhằm tránh tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

- Thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP; Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30-5-2014 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về mức thu học phí các cấp học trong tỉnh. Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 3659/UBND-VHXH, ngày 11-7-2011 về việc Hướng dẫn triển khai thu học phí, cấp bù và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; Công văn số 7163/UBND-VHXH về việc triển khai thu học phí, cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên từ năm học 2014 - 2015.

Về đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30-5-2014 không như trước đây mà đối tượng thu hẹp lại. Do đó, học sinh dân tộc thiểu số tại các vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh đều phải thu học phí trừ hộ nghèo, hộ chính sách. Đây là chủ trương chung của Chính phủ, UBND tỉnh ghi nhận ý kiến cử tri để tổng hợp đề xuất Chính phủ. Tuy nhiên Nghị định mới được sửa đổi và ban hành thực hiện hết năm học 2014 - 2015 nên không thể sửa đổi ngay. Đồng thời, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách cho học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa như chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ theo Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15 tháng 07 năm 2011; Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Quyết định số 36/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ tiền ăn ở cho học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 12/QĐ-TTg…

* Cử tri huyện Buôn Đôn tiếp tục kiến nghị tuyến Tỉnh lộ 1 xây dựng chất lượng thấp, mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng nhiều. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, có phương án khắc phục.

- Gói thầu số 1 dự án xây dựng mặt đường bê tông nhựa Tỉnh lộ 1 dài 14,61 km được thi công theo hình thức BT, đơn vị thi công là Công ty TNHH Anh Minh, khởi công ngày 10-3-2010, đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng vào giữa năm 2012, có đoạn đã khai thác sử dụng hơn 3 năm. Công trình này thi công theo hình thức BT, đến nay tỉnh vẫn còn nợ đơn vị thi công khoảng 19,6  tỷ đồng. Hiện nay ở đoạn cuối tuyến do địa chất yếu và nước ngầm nên trên mặt đường có xuất hiện  hư hỏng cục bộ tại một vài vị trí đúng như ý kiến của cử tri huyện Buôn Đôn.

Mặc dù thời gian bảo hành công trình đã hết nhưng tỉnh đã yêu cầu đơn vị thi công tự bỏ kinh phí để sửa chữa các vị trí này trong năm 2014. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn để trả nợ cho đơn vị thi công số tiền là 19,6 tỷ đồng nhằm giải quyết khó khăn về tài chính cho Công ty TNHH Anh Minh để đơn vị có kinh phí tiếp tục sửa chữa.

* Đa số cử tri tiếp tục kiến nghị về việc áp dụng thu phí đường bộ đối với xe cày mức 2 triệu đồng/năm là quá cao so với thu nhập của nông dân, mức thu phí chưa phù hợp giữa phương tiện của người dân phục vụ chủ yếu cho việc vận chuyển nông sản với phương tiện của các doanh nghiệp phục vụ cho mục đích kinh doanh. Đề nghị ngành chức năng cần xem xét, điều chỉnh quy định trên.

- Hiện nay, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh chỉ triển khai thu phí đối với xe mô tô, chưa tổ chức thu phí đối với xe máy cày tay (xe cày càng). Quỹ Bảo trì đã có văn bản xin ý kiến Bộ Giao thông - Vận tải, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương về việc thu phí đối với loại xe này nhưng đến nay Trung ương chưa có ý kiến phản hồi.

Mức thu 2.160.000 đồng là mức thu áp dụng cho loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ 1 xy lanh theo quy định của Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính (Thông tư này đã được thay thế bằng Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11-9-2014) và Nghị quyết số 90/2013/NQ-HĐND ngày 19-7-2013 của HĐND tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh làm việc với các địa phương đã tổ chức thu phí đối với loại xe máy cày tay (xe cày càng) để có hướng giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của cử tri.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc