Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

23:18, 12/05/2015

Chiều 11-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ông Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

th
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm 10 chương, 96 điều, quy định cụ thể về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách ở địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND… Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

th
Ông Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến kinh phí tổ chức bầu cử; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình bầu cử, việc niêm yết công khai danh sách cử tri và những người được ứng cử … Bên cạnh đó có một số đại biểu cho rằng: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cần quy định rõ về số lượng người ứng cử là phụ nữ và dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND. Liên quan đến quy định đối với cử tri là người đang bị tạm giam tại Điều 29 của Dự thảo, một số đại biểu băn khoăn: Nếu Luật quy định cử tri đang bị tạm giam chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, vậy cử tri có tham gia bầu cử hay không? Nếu có thì phương thức thực hiện bầu cử trong trường hợp này cần quy định ra sao?. Các đại biểu cũng góp ý tại Khoản 2, Điều 37 (những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND) nên thay cụm từ “người đang bị khởi tố về hình sự” bằng “người đang là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự” sẽ bao hàm đủ trường hợp đang khởi tố và cả đã truy tố. Theo Điều 7 trong Dự thảo quy định: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người. Về nội dung này đa số các đại biểu cho rằng chỉ nên quy định tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu tối đa là 500 người.

Các ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và tham gia góp ý tại các phiên thảo luận của Quốc hội trong kỳ họp tới.

Hồng Chuyên

                                                                                                                                                       


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.