Multimedia Đọc Báo in

Nét đặc sắc về dân chủ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

08:45, 28/05/2015
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt, là quy luật phát triển của Đảng và là vũ khí sắc bén để rèn luyện đảng viên.

Bản thân Bác luôn là tấm gương về tự phê bình. Trong Di chúc để lại cho quốc dân đồng bào, Người đã căn dặn “…Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau…”(1). Trong tư tưởng của Người, dân chủ chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, nó không chỉ là tư tưởng chính trị mà còn là tư tưởng quản lý xã hội, tư tưởng phát triển xã hội và con người Việt Nam. Trong di sản tư tưởng của Người đã thể hiện những nét đặc sắc về dân chủ. Bác không chỉ là một nhà thiết kế lý luận về dân chủ ở Việt Nam mà còn nêu gương, thực hành mẫu mực về dân chủ trong đời sống, trong các quan hệ xã hội và đặc biệt là trong Đảng. Bác nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2)… Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.”(3)

Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất  với Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1958).                 Ảnh: Tư liệu
Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1958). Ảnh: Tư liệu

Những luận điểm trên như bao quát hết cả chủ thể của xã hội dân chủ, thể hiện rõ bản chất của dân chủ. Người khẳng định chủ thể của nền dân chủ là nhân dân lao động, gốc là công – nông, công nông là gốc của cách mạng, công nông cùng với trí thức và các tầng lớp nhân dân trong xã hội là những lực lượng làm nên sự nghiệp của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Theo tư tưởng của Bác, nếu chủ thể là người dân thì xây dựng nền dân chủ quan trọng nhất là làm sao đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, để nhân dân thực sự là người chủ xã hội, làm chủ xã hội. Người coi dân chủ là dân là chủ, cũng như dân làm chủ. Dân là chủ tức là vị thế người chủ chứ không phải là nô lệ, dân là chủ thể hiện rõ tính chủ động chứ không bị động. Dân làm chủ tức là năng lực thực hành dân chủ của người dân và đây được coi là sự phát triển mới về chất so với tư tưởng về dân chủ của các nhà tư tưởng thuộc ý thức hệ phong kiến, vượt qua cả những hạn chế của ý thức hệ dân chủ tư sản. Những nhà tư tưởng phong kiến trước đây coi dân chủ tức là chủ của dân, chăn dắt dân, dân chỉ là thần dân, thảo dân, thứ dân, nô dân và chỉ được hưởng những gì ơn huệ từ bề trên ban xuống. Còn đối với Hồ Chí Minh, dân chủ là một cuộc cách mạng trong xã hội, nhân dân tự giải phóng mình, dân tự giành lấy quyền làm chủ của mình và thực sự khẳng định địa vị người chủ trong xã hội. Chính vì vậy, đây là một định nghĩa quan trọng được coi như một cuộc cách mạng về nhận thức dân chủ của Bác Hồ.

Theo tư tưởng về dân chủ của Hồ Chí Minh thì dân còn làm chủ bằng Nhà nước, Nhà nước là một thiết chế chính trị điển hình của xã hội từ khi có chính trị, có giai cấp, có Nhà nước. Nói đến Nhà nước là nói đến pháp luật nên hình mẫu của nền dân chủ hiện đại tất yếu phải gắn liền với dân chủ trong Nhà nước pháp quyền. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đến được với chân lý của thời đại, đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin và giác ngộ chủ nghĩa xã hội, cho nên Bác rất chú trọng đến vấn đề pháp quyền. Một trong những tác phẩm đầu tiên của Bác đó là tác phẩm “Bản yêu sách tám điểm” gửi Hội nghị Véc-xây năm 1919. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc lúc đó đã đề ra một luận điểm rất quan trọng “Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng việc ban hành các đạo luật” (4). Điều đó đã thể hiện rõ sức mạnh của luật pháp, sức mạnh đó là quyền uy tối thượng, thể hiện ý chí, sức mạnh của nhân dân, nhân dân không chỉ làm chủ bằng Nhà nước mà nhân dân còn làm chủ bằng các tổ chức chính trị - xã hội do chính mình dựng nên. Vì vậy, nhân dân thực hiện vai trò hoạt động chính trị và thể hiện quyền lực gốc của mình đó là quyền lực quản lý xã hội và ủy quyền cho Nhà nước bằng việc kiểm soát Nhà nước.

Như vậy, xét về phương diện giá trị thì tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh đặc sắc ở chỗ có sự kết hợp giữa tính pháp lý và tính nhân văn, tôn trọng giá trị con người. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ thì dân chủ ở đây là con người được tự do, được làm chủ, đó là tư tưởng trọng dân. Tư tưởng dân chủ pháp quyền của Hồ Chí Minh đã thể hiện được tính trọng dân và trọng pháp, thể hiện sự hài hòa giữa pháp lý, pháp quyền và nhân văn. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn chú trọng đến hiệu quả thực tiễn cho nên Người không chỉ nói lý luận về dân chủ, cả đời Người đã nỗ lực vào việc thực hiện dân chủ cho nhân dân. Người nói: “Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''. Bác còn nói dân chỉ biết đến tự do, dân chủ khi dân được ăn no, mặc ấm, cho nên Bác chỉ thị làm ngay, làm cho dân có ăn, có mặc, làm cho dân được học hành, được tự do, được xứng đáng với địa vị người chủ của mình. Đây chính là tính thực tiễn của dân chủ, muốn vậy thì phải thực hiện dân chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, dân chủ trong các mối quan hệ con người với cộng đồng, giữa cá nhân với tập thể và quan trọng nhất là thực hành dân chủ trong xã hội, thực hành dân chủ trong Đảng, có như vậy dân chủ mới thực sự là một bước đi quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển.

--------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 8, tr. 276

[3]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 325

Phạm Văn Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.