Rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng qua học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguyên nhân sự suy thoái về đạo đức, lối sống có nhiều, nhưng trước hết về khách quan là do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa. Về chủ quan là do một số cấp ủy các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị coi nhẹ, buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên; nhiều tổ chức cơ sở đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra của Đảng. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chỉ trong một đoạn ngắn nói về đạo đức cách mạng, Bác đã bốn lần dùng chữ thật và thật sự để nhấn mạnh những phẩm chất cần thiết của người cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh cần phải có sự thực hiện triệt để, rèn luyện đến nơi đến chốn.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc. Ảnh: T.L |
Để thực hiện tốt những lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hố Chí Minh, thiết nghĩ cấp ủy đảng phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng với thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII gắn với việc kiểm tra, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thông qua các kỳ sinh hoạt chi bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo, răn đe những người có biểu hiện vi phạm, với những người có khuyết điểm mà không sửa chữa thì phải xử lý triệt để để bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố, nâng lên.
Các cấp ủy Đảng cần tăng cường giáo dục giúp cho cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về đạo đức cách mạng. Đồng thời cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới để cán bộ, đảng viên lấy đó mà phấn đấu, tu dưỡng; động viên cán bộ, đảng viên học tập trau dồi trí thức, nâng cao trình độ; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Học tập và làm theo đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh phải làm từ trên xuống, từ trong Đảng ra ngoài xã hội, trước hết là trong cán bộ, đảng viên các cấp. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, cán bộ cấp cao phải làm gương cho cán bộ cấp thấp. Học tập phải liên hệ với thực tế và đề ra hướng phấn đấu, phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng là “làm theo” cái gì, ai làm theo và làm theo trong không gian, thời gian nào, lợi ích của việc làm theo là như thế nào… Mỗi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cán bộ có cương vị càng lớn trách nhiệm càng phải cao.
Năm 1949, để cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, Bác viết bài “Cần, kiệm, liêm chính”, trong đó khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Bác cũng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy người cán bộ, đảng viên phải coi trọng quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện phẩm chất đạo đức và lối sống, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để từng bước hoàn thiện bản thân.
Những điều Bác dạy trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thực hiện mục tiêu hướng tới “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thạc sĩ Ngô Sáu
(Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc