Vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu dư luận xã hội
Trong những năm qua, thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội (DLXH) trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác tư tưởng trong tình hình mới.
Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu DLXH được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Đối với những vấn đề chính trị, có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân thì việc trưng cầu ý kiến trước khi ra quyết định là rất cần thiết”. Gần đây nhất, Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) một lần nữa nhấn mạnh: “Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Do đó, công tác nghiên cứu, nắm bắt, định hướng DLXH là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng nói chung và công tác Tuyên giáo nói riêng.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, ngay từ năm 2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hoàn thành Đề án “Xây dựng lực lượng chuyên trách và mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Quy chế hoạt động, từng bước kiện toàn mạng lưới nắm bắt dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở được ban hành; đồng thời tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, các ngành. Đội ngũ cộng tác viên DLXH hiện có gần 70 đồng chí tham gia dưới hình thức công khai và đơn tuyến, là những cán bộ có kinh nghiệm nắm bắt, sàng lọc thông tin, tổng hợp, phân tích luồng dư luận, đang công tác tại ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; tuyên giáo mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan, ban ngành trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị báo cáo viên trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. |
Trong 5 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện 26 cuộc điều tra thăm dò DLXH. Riêng năm 2014, đã trực tiếp triển khai và hoàn thành 4 cuộc điều tra thăm dò DLXH trên địa bàn tỉnh, với các chủ đề về: “Hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh”; “Tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay”; “Khảo sát, điều tra lấy ý kiến của tổ chức và công dân về hiệu quả của dịch vụ một cửa” và “Lấy ý kiến của tổ chức và công dân về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh”. Phối hợp với Viện Nghiên cứu DLXH - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 3 cuộc điều tra DLXH khác trên địa bàn tỉnh, về các chủ đề: “Chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội trong công tác tuyên giáo hiện nay”, “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới”, “Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Qua tổng hợp và phân tích những diễn biến tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, những vấn đề chính trị, xã hội mang tính thời sự, bức xúc trên địa bàn, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm định hướng DLXH một cách đúng đắn, kịp thời.
Trong năm 2015, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai điều tra xã hội học về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2010 - 2015) trên một số lĩnh vực. Qua tổng hợp, phân tích số liệu thu nhận được, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất những kiến nghị, giải pháp giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh có thêm cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu đạt được; những tồn tại, hạn chế, từ đó có thể điều chỉnh, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong thời gian tới.
Ngoài nắm bắt tình hình tư tưởng thông qua các cuộc điều tra xã hội học, qua hệ thống tuyên giáo các cấp; các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể; đặc biệt là thông qua hệ thống thông tin đại chúng và lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở…, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp công tác tư tưởng khác như: Tăng cường thông tin định hướng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua hội nghị báo cáo viên, giao ban công tác tuyên giáo định kỳ và đột xuất; thông qua các bản tin... Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn, đã giải quyết kịp thời những vấn đề về tư tưởng nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở, góp phần quan trọng định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế tình hình hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu DLXH, các cấp ủy đảng cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa hoạt động nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh DLXH trở thành nhiệm vụ thường xuyên không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, qua đó đề ra các biện pháp định hướng hình thành DLXH tích cực, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Quốc Hiệp
Ý kiến bạn đọc