Đắk Lắk phải là "đầu tàu" của vùng Tây Nguyên
“Làm gì để Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững?” – đó không chỉ là những trăn trở, băn khoăn của riêng tỉnh Đắk Lắk mà còn là mối quan tâm đặc biệt của các bộ, ban, ngành Trung ương. Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những góp ý, định hướng để sớm đưa Đắk Lắk phát triển xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội vùng Tây Nguyên…
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: Cần xác định được những trọng điểm ưu tiên, những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế
Xuất phát từ tiềm năng lợi thế là trung tâm vùng Tây Nguyên, địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc và kinh tế rừng…, Đắk Lắk cần xác định được những trọng điểm ưu tiên, những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế. Chủ động tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh. Ưu tiên nền tảng nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, nhất là đối với một số sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu. Tăng cường liên kết vùng để phát triển kết cấu hạ tầng xã hội.
Trước mắt, tỉnh cần đánh giá lại tình hình tái cơ cấu đầu tư nông nghiệp; kết quả đầu tư cho nông nghiệp; tỷ trọng lao động nông nghiệp; chuyển dịch lao động nông nghiệp; sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp các công ty, nông lâm trường theo Nghị quyết 28, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 118 của Chính phủ. Thực hiện tốt 3 đột phá về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; tạo nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thực hiện kết luận số 60 của Bộ Chính trị về xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nghiêm túc khắc phục sửa chữa những hạn chế khuyết điểm được chỉ ra trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tăng cường kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tập trung thực hiện Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở…
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội: Đắk Lắk phải là “đầu tàu” của vùng Tây Nguyên
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi vì ở đây có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dân di cư tự do khắp nơi đổ về Đắk Lắk cũng là một trong những gánh nặng cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong khi đó, vốn đầu tư ngân sách còn ít, thu hút đầu tư nước ngoài khó. Việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng còn nhiều khó khăn...
Chính vì vậy, Đắk Lắk cần phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của mình để có thể điều chỉnh và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch này. Trước hết là xác định tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm chủ lực của địa phương là gì? Trên cơ sở đó lên kế hoạch đầu tư trung hạn cho hằng năm, gắn với tái cơ cấu thu hút đầu tư công. Đồng thời có định hướng để chủ động trong bố trí nguồn lực từ vốn địa phương, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương trên địa bàn và huy động vốn đầu tư ngoài khu vực Nhà nước. Muốn được như vậy, tỉnh cần phải xây dựng được giải pháp có trọng tâm trọng điểm để tạo ra những bước đột phá mới, động lực mới cho sự phát triển nhanh và vững chắc. Đắk Lắk không thể đi chậm hơn, kém hơn các tỉnh trong khu vực. Đắk Lắk phải là “đầu tàu” của vùng Tây Nguyên.
Đắk Lắk là tỉnh có dân số đông, đây vừa là gánh nặng nhưng cũng vừa là nguồn lực để phát triển. Chính vì vậy, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, cố gắng đưa Trường Đại học Tây Nguyên trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao phục vụ cho cả khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích, cải cách hành chính để thu hút sự đầu tư, ổn định sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Trước mắt, tỉnh cần xác định những yêu cầu gì phù hợp với tình hình thực tế để phát triển có tính đột phá những ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của mình. Nội lực của mình được bao nhiêu (phần được cân đối trong ngân sách, huy động từ nhân dân tại chỗ, cộng đồng doanh nghiệp tại chỗ) và ngoại lực (thu hút đầu tư của các doanh nghiệp từ nơi khác về, của các dự án nước ngoài…) như thế nào. Trên cơ sở đó, tỉnh có những đề xuất gì về chính sách đầu tư của Trung ương để có thể phát triển kinh tế Đắk Lắk gắn với kinh tế cả vùng Tây Nguyên?
Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự
Đắk Lắk là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên, là một trong những cực phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và cũng là địa phương có nhiều ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản, sinh thái, thiên nhiên… Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế được triển khai tích cực nhưng vẫn còn chậm, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ. Hàm lượng chất xám về khoa học công nghệ kết tinh trong các chuỗi giá trị sản phẩm còn có những hạn chế. Năng lực cạnh tranh còn yếu; cơ sở hạ tầng tuy mới được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện…
Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh vẫn là tập trung cho việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Một yếu tố rất quan trọng nữa là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Tỉnh Đắk Lắk cần hết sức chăm lo đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Đắk Lắk có vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng an ninh. Do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Một trong những điểm sáng mà Đắk Lắk đã làm được trong thời gian qua là bảo đảm được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh cần hết sức quan tâm đến nhiệm vụ này. Cụ thể, tăng cường xây dựng các khu vực phòng thủ. Tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Campuchia, bảo đảm an ninh biên giới. Chủ động xây dựng các phương án phòng thủ, phương án đối phó với các tình huống phức tạp về an ninh trật tự để chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra…
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: Quyền lợi phát triển kinh tế - xã hội đều gắn chặt với đời sống của người dân
Trước hết phải nhấn mạnh vị trí của Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Thực ra đây là xác định vai trò vị trí chứ không phải là suy tôn. Chính vị trí địa lý, địa chính trị đã tạo cho Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên. Do đó, tỉnh cần phải tập trung vào phát triển kinh tế để xứng đáng với vai trò, vị trí của mình. Trước mắt, lĩnh vực phát triển chủ yếu vẫn là công nghiệp và nông nghiệp. Đây là lợi thế của tỉnh. Phải giữ được vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa mà lâu nay là lợi thế, đó là cà phê. Bên cạnh đó cũng phải xác định quy hoạch loại cây này như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng phát triển nóng rồi lại chặt đi.
Trong những năm qua, Đắk Lắk đã được Chính phủ ưu tiên, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đặc biệt là đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh Đắk Lắk nên đặt ra những mục tiêu, những khâu đột phá trên cơ sở kế thừa, phát huy và bám sát những quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành để định hướng phát triển cho khả thi. Cùng với đó là không ngừng nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào tại chỗ. Làm thế nào để người dân hiểu đúng rằng, quyền lợi phát triển kinh tế - xã hội đều gắn chặt với đời sống của người dân.
Tôi đánh giá cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh của Đắk Lắk. Đến nay, 100% thôn buôn đã có tổ chức cơ sở đảng, có đảng viên . Đây có thể nói là kết quả của sự phấn đấu quyết liệt. Việc đưa cán bộ đảng viên về sinh hoạt tại cơ sở, theo tôi là cách làm đúng, làm hay trong tình hình hiện nay. Phải có đảng viên về cơ sở sinh hoạt thì mới có thể phát triển đảng ở thôn, buôn, mới xây dựng tổ chức đảng được.
Việt Cường (ghi)
Ý kiến bạn đọc