Multimedia Đọc Báo in

Những ý kiến tâm huyết từ Đại hội

09:09, 14/10/2015

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Tại Đại hội, phóng viên Báo Đắk Lắk đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng về những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được đề ra để xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo nền tảng sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên.

Tập trung cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực đầu tư

Đại biểu Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Báo cáo chính trị trình Đại hội lần này đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm. Nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ tới là phải khắc phục được thực tế đó. Nếu chỉ nhờ vào ngân sách của Nhà nước thì không thể phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, chúng ta cần tập trung và bằng mọi biện pháp để thu hút nguồn lực đầu tư từ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải có chủ trương phát triển rõ ràng, định hướng đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo một số sở, ngành triển khai xây dựng danh mục một số dự án kêu gọi đầu tư với cách làm khác trước như các thông tin được cụ thể, công khai hơn... Và khi hoàn thành thì doanh nghiệp chỉ cần vào mạng tra cứu là biết mình cần làm gì, làm thế nào để triển khai đầu tư tại tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cho rằng cần có chính sách ưu đãi mang tính đột phá để khai thác, khuyến khích tiềm năng, sức sáng tạo trong nhân dân và trong doanh nghiệp; đồng thời phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để thông thoáng hơn; công tác xúc tiến đầu tư phải được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, chủ động và hiệu quả hơn.

Giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư từ người dân và doanh nghiệp là cải cách nền công vụ, lấy kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng cán bộ công chức, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cán bộ công chức dù ở vị trí công tác nào cũng phải đổi mới về nhận thức và hành động cụ thể để sáng tạo trong nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp... 

Tạo nền tảng phát triển Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Đại biểu Y Thanh Hà Niê KdămBí thư Thành ủy TP. Buôn Ma Thuột:

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong tỉnh nói chung và trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng mong chờ, kỳ vọng, đặt niềm tin vào sự thành công của Đại hội sẽ mang đến một khí thế mới, quyết tâm mới để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra nhiều chỉ tiêu, chương trình, giải pháp, từng bước phấn đấu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trước năm 2020. Đó là huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực: công nghiệp và dịch vụ, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, y tế, thể thao. Duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn trước, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu hút đầu tư; hình thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh…

Tôi tin tưởng rằng với sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang tỉnh cùng với kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong nhiệm kỳ qua, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ tạo ra những thay đổi có tính đột phá, tăng cường khối đoàn kết, kết tinh và phát huy trí tuệ tập thể để đưa tỉnh Đắk Lắk phát triển toàn diện bằng lợi thế nội lực của mình; đồng thời có nhiều giải pháp và cùng với Đảng bộ thành phố xây dựng nền tảng để phát triển Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị.

Vùng biên giới tiếp tục được quan tâm, đầu tư để phát triển toàn diện 

Đại biểu Nguyễn Hoàng GiangBí thư Huyện ủy Ea Súp:

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước,  kinh tế – xã hội vùng biên Ea Súp có nhiều chuyển biến. Các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi được đầu tư, xây dựng, cải tạo đã tạo điều kiện thuận lợi trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng biên. Song song đó là các chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giao khoán quản lý bảo vệ rừng luôn được chính quyền địa phương quan tâm đã góp phần tạo điều kiện cho người nghèo ở Ea Súp vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Ea Súp hiện đang là một trong những huyện nghèo của tỉnh, với dân số hơn 76 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 42%, tỷ lệ hộ nghèo còn 25%, nhiều xã hộ nghèo còn khá cao, nhất là ở những xã biên giới như Ia R’vê, Ia Lốp. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông đường bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ngoài ra, áp lực dân di cư ngoài kế hoạch cũng khiến cho địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, ổn định an ninh nông thôn, quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là đối với chương trình giảm nghèo. Tôi mong muốn Ea Súp tiếp tục được quan tâm, đầu tư, để phát huy vai trò đặc biệt của một địa phương có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, cùng với huyện Buôn Đôn trở thành vùng có mối liên kết kinh tế - văn hóa - xã hội giữa khu vực biên giới với toàn tỉnh, vùng Tây Nguyên và vùng Tam giác phát triển.

Tạo điều kiện để M’Đrắk phát huy hết tiềm năng, xứng tầm với vị trí là cửa ngõ phía Đông của tỉnh

Đại biểu Vũ Hữu Nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy M’Đrắk:

Đại hội lần này, tôi tin tưởng vào sự đổi mới toàn diện của Đảng cũng như năng lực, phẩm chất của các đại biểu được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tiếp tục nêu cao quyết tâm để thực hiện tốt những nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh  tế - xã hội như Báo cáo Chính trị đã đề ra. Trong 5 năm qua huyện M’Đrắk đã có sự phát triển trên nhiều lĩnh vực. Nông nghiệp được xem là ngành trọng tâm của huyện, đạt nhiều kết quả tích cực trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống có giá trị cao vào sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng, trong đó các sản phẩm có tốc độ phát triển lớn như gạch nung, khai thác cát, khai thác đá, xay xát lương thực, gỗ xẻ, sản lượng điện sản xuất, điện thương phẩm. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm xá cũng được quan tâm đầu tư trong những năm qua, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dân sinh. Đến nay, toàn huyện đã giải quyết việc thiếu đất ở, đất sản xuất cho gần 1.500 hộ đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, giải quyết đất ở đã đạt 100%; đất sản xuất đạt 38,8% so với nhu cầu. Chính sách giao rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp, ngành và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, M’Đrắk vẫn còn là một trong những huyện nghèo của tỉnh, mong sẽ tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để phát huy hết tiềm năng, xứng tầm với vị trí ở cửa ngõ phía Đông của tỉnh.

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác dân vận trong tình hình mới

Hòa thượng Thích Giác Chí, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Viện chủ Tịnh xá Ngọc Thạnh:

Là một công dân và là một tu sĩ, tôi mong muốn các đại biểu ưu tú được bầu vào Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “cùng chung một lòng” để quan tâm hơn đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác dân vận trong tình hình mới. Trong các nhóm giải pháp được đề cập để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh đã nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác dân vận; phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với lĩnh vực tôn giáo, cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều văn bản, chính sách tạo điều kiện hoạt động cho các tôn giáo phù hợp với Hiến pháp cũng như tâm tư, tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do một số ít cán bộ phụ trách công tác tôn giáo chưa nắm chắc, chưa vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước dẫn đến giải quyết một số vụ việc có lúc, có nơi chưa thấu tình đạt lý, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Theo tôi, dân vận khéo là yếu tố quan trọng để đội ngũ cán bộ gần dân và hiểu dân hơn. Không chỉ có cấp ủy, chính quyền địa phương mới làm công tác dân vận, mà những người tu sĩ cũng luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động các tín đồ tôn giáo phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân, hăng hái sản xuất, tích cực đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước, “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Những chính sách về đào tạo, tạo cơ hội việc làm đã được đề cập

Đại biểu H’Duyên K’Sơr – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Na, huyện Krông Ana:

Là một đại biểu nữ, là người dân tộc thiểu số vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tôi thấy Đại hội đã cơ bản đáp ứng được sự kỳ vọng của đại biểu cũng như của các tầng lớp nhân dân. Đại hội đã phát huy đầy đủ tính dân chủ, trí tuệ của các đại biểu trong việc xây dựng và thông qua các văn kiện. Qua tiếp xúc, nghiên cứu các văn kiện của Đại hội tôi thấy các văn kiện khá phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Vấn đề tôi đặc biệt quan tâm là những chính sách về đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được thể hiện, đề cập và thảo luận tại Đại hội. Trong nhiệm kỳ qua, đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề cho lao động đã có những chuyển biến tích cực: có 64 trường và cơ sở dạy nghề các cấp; hằng năm đào tạo khoảng 11 nghìn học sinh, sinh viên trình độ trung cấp trở lên và trên 23 nghìn học viên nghề với hàng chục ngành, nghề khác nhau, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh và một số địa phương trong nước. Đến nay có 50% lao động của tỉnh đã qua đào tạo, tăng 13%; trong đó có 40% qua đào tạo nghề, tăng 11% so với năm 2010. Liên quan đến công tác đào tạo, Đại hội cũng đề cập một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới về nội dung, phương pháp, chương trình dạy và học; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nhất là nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới về cơ chế quản lý giáo dục; kiên quyết khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. Thu hút đầu tư xã hội hóa để phát triển hệ thống trường, cơ sở đào tạo nghề phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

Nhóm PV (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.