Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ huyện Krông Pắc: Triển khai hiệu quả công tác phát triển Đảng

20:03, 21/11/2016
Xác định phát triển đảng viên mới là một trong những chỉ tiêu cơ bản trong công tác xây dựng Đảng, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát, nắm chắc các đối tượng, chú trọng quần chúng là bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về công tác, lao động tại địa phương; sinh viên, học sinh là người địa phương có năng lực học tập, đạo đức tốt; đoàn viên, hội viên ưu tú đang công tác tại địa phương; người có nguyện vọng vào Đảng… để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng; đưa chỉ tiêu kết nạp đảng viên của các đơn vị thành một trong các tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm.

Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Nhiều phong trào thi đua được phát động sâu rộng và đem lại hiệu quả, như: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn thanh niên; “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, đã tạo khí thế sôi nổi thi đua lao động sản xuất ở các thôn, buôn; qua đó đã xuất hiện những điển hình, nhân tố mới trong phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội ở địa phương, là cơ sở để các tổ chức đảng phát hiện, xem xét, bồi dưỡng, kết nạp Đảng.

Đảng bộ huyện Krông Pắc hiện có 6.157 đảng viên sinh hoạt tại 23 đảng bộ và 28 chi bộ trực thuộc. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả khả quan. Nhiều xã, thị trấn đã triển khai các biện pháp phát triển đảng viên hiệu quả, chất lượng. Trước đây, Đảng bộ xã Hòa Đông gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển Đảng do đoàn viên, thanh niên tại địa phương sau khi học xong trung học phổ thông thường đi học, đi làm xa. Trước tình hình đó, Đảng bộ xã tăng cường chỉ đạo các chi bộ quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, chú trọng những chi bộ ít đảng viên; phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, đảng ủy viên về làm bí thư chi bộ tại một số chi bộ có ít đảng viên, phân công đảng ủy viên dự sinh hoạt hằng tháng tại các chi bộ để nắm bắt, phản ánh với Đảng ủy xã những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tạo điều kiện để quần chúng ưu tú rèn luyện, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhờ vậy, đến nay Đảng bộ xã Hòa Đông đã thành lập thêm 1 chi bộ mới, kết nạp được 7 đảng viên mới, nâng tổng số các chi bộ trực thuộc lên thành 27 với 368 đảng viên…

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Krông Pắc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển Đảng ở các thôn, buôn, tổ dân phố; chú trọng bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở các địa phương.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Đảng bộ huyện Krông Pắc đã kết nạp được 257 đảng viên mới (21 đảng viên là người dân tộc thiểu số), đạt 95,9% kế hoạch của Tỉnh ủy giao; tổ chức 1 lớp bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị cho 47 đảng viên; 2 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới với 247 học viên; 4 lớp nhận thức về Đảng với 417 học viên tham gia. Công tác kết nạp Đảng bảo đảm nguyên tắc, chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.

 

Lê Tin


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.