Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 258
Chiều 25-11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 258 Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (gọi tắt là Đề án 258). Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 258 Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến đầu cầu Trung ương. Ảnh L. Thành |
Qua 5 năm thực hiện, Đề án 258 đã được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đề án có hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giám định tư pháp; từng bước lãnh đạo, chỉ đạo cũng như kiện toàn, quan tâm hơn đến các tổ chức giám định tư pháp, người thực hiện giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý. Kết quả giám định tư pháp ở tất cả các lĩnh vực cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, phục vụ đắc lực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vụ án. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm các tổ chức giám định trong cả nước đã thực hiện hơn 150.000 vụ việc. Việc thực hiện giám định bảo đảm yếu tố khách quan, chính xác, cơ bản đáp ứng về thời gian, hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giám định…
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk |
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham gia phân tích đánh giá về những kết quả đạt được, cũng như hạn chế và bài học kinh nghiệp thực tiễn trong việc thực hiện Đề án. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện Đề án 258 thời gian tới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án với những giải pháp cụ thể; đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn thể chế và hệ thống tổ chức giám định tư pháp các cấp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; tăng cường chế độ thông tin, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý giám định tư pháp trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp; cần phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương đối với việc thực hiện Đề án gắn với chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020...
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc